Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Côn đảo

09:46 - 29/11/2009
Chương 17 . Côn Đảo.
1.
Từ trên bến tàu Lang Tó Sài Gòn, các tù chính trị mau chóng bị đưa xuống chiếc tàu Harmant Rousseau đã chờ sẵn. Bọn địch dồn ép tất cả tù nhân xuống dưới hầm tàu. Cái hầm tàu này, thực chất là một “thủy ngục”, như cha tôi nói, đối với các tù chính trị bị đày ra Côn Đảo, trong chuyến vượt biển năm ấy.

Trong hầm tàu, tất cả các lỗ tròn trên cao, bên sườn tàu đều bị đóng kín. Ánh sáng, thông gió không còn chỗ mà “ra vào” qua những cái cửa sổ tròn kia. Giống như trong buồng tù, cửa sổ hầm tàu ở nơi, mà người bên trong hầm tàu phải đứng hoặc đứng kiễng chân lên mới với tay tới.


Trong cái không gian chật chội, ánh sáng lờ mờ của hầm tàu. Những người tù chính trị buộc phải ngồi xếp hàng ngang. Cứ hai người đã cùng chung chiếc xích tay, bây giờ dưới hầm tàu thêm chiếc cùm chân.


Chiếc tàu Harmant Rousseau thúc lên một hồi còi rời bến. Mẹ tôi giật bắn người khi cái âm thanh ghê rợn, xé ruột, xé gan kia vang lên. Thế là hết ư? Tất cả đã kết thúc rồi sao? Không biết, còn có ngày anh trở về với mẹ con em?...


Mẹ thấy đau nhói nơi ngực bên trái. Không biết nơi ấy, có phải là nơi ngự vị của bộ phận rất nhạy cảm trong cơ thể con người là trái tim, không? Không phải là bác sỹ, người ta chỉ đoán vậy thôi.Mẹ đưa tay lên ngực, như đỡ lấy cái gì đấy đang đè nặng trong lồng ngực.


Trời đất như tròng trành, nghiêng ngả. Chân mẹ như muốn khuỵu xuống.Mẹ lấy hết sức ra để chống đỡ, đứng cho vững. Mắt mẹ đăm đăm nhìn theo con tàu oan nghiệt, đang đưa cha đi xa dần mẹ. Mẹ lầm rầm trong miệng, cầu trời khấn phật. Mẹ ước muốn, mẹ cầu mong, mẹ khát khao… Có một sức mạnh siêu phàm nào đó, có thể giữ con tàu kia lại... Trả những người thân yêu lại cho mẹ, cho bao người cùng cảnh ngộ với mẹ. Nhiều tiếng khóc nấc lên. Những con mắt đỏ hoe. Nhiều người đàn ông, nhiều chị em bạn đi cùng những người có người thân bị đưa đi đày hôm nay, cũng không cầm được nỗi xúc động! Nước mắt họ cũng tuôn trào. Họ nhẹ nhàng vỗ về, an ủi bạn mình. Trên nét mặt và cả trong lòng những người đưa tiễn tù chính trị hôm nay đều hằn sâu một mối căm thù bọn giặc cướp nước và bán nước.


<< Chẳng có sức mạnh siêu phàm, thần thoại nào giúp chúng ta được cả.Chỉ có sức mạnh trong chính chúng ta mà thôi!>> - Khi đã bình tĩnh suy xét mọi việc, mẹ đã tâm sự với mấy cô bác bạn thân như vậy…Những người phụ nữ nói với nhau rằng, để các anh mau chóng trở về. Chúng ta không được chỉ khóc than. Chúng ta cần giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, nuôi dạy con cái, chăm lo cho gia đình thật tốt. Tham gia vào những việc làm, giúp ích cho cuộc đấu tranh chung, theo khả năng của mình.


2.


Con tàu Harmant Rousseau chở đầy hầm tàu những người con ưu tú của mẹ - Đất Việt, đang xa dần đất liền, ra nơi Côn Đảo muôn trùng khơi. Người ở lại trên bến xót xa nhìn con tàu đang mất dạng dần…Cho đến khi cả cái ống khói của con tàu cũng biến vào trời xanh và biển cả.


Cha tôi dưới hầm tàu cũng đang nghĩ về mẹ tôi: << Chuyến đi đày này, kẻ thù kết án mình và các đồng chí cùng chung lý tưởng, những năm năm tù. Tâm và các con ở nhà sẽ sống ra sao?>> << Tâm ơi, hãy ráng sức lên, em nhé! Anh tin vào cuộc đấu tranh vì một lý tưởng cao đẹp, vì độc lập, tự do của Tổ Quốc ta nhất định sẽ thắng lợi. Anh cũng tin ở người vợ hiền của anh, sẽ thay anh chăm sóc, nuôi dạy các con nên người…>>


3.


Những giờ phút đầu tiên dưới hầm tàu, ra biển khơi…Tất cả mọi suy nghĩ, cha dành cho mẹ, hướng về mẹ và các con ở đất liền. Cha thương mẹ, nhớ các con còn non dại quá. Cha nhớ về quê nhà…


Quê nhà, một vùng đất đồng chiêm trũng, nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc bộ. Quê hương Nam Định có bề dầy những trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm. Nam Định cũng là quê hương của Vua quan Triều Trần. Các Vua Trần đã lãnh đạo toàn dân tộc Việt, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, rất oanh liệt, thế kỷ XIII. Người dân Nam Định cũng như tất cả người dân Đất Việt, lao động cần cù, lam lũ. Nhưng sao, họ vẫn đói nghèo, cơ cực quá? Những người yêu nước, giác ngộ cách mạng đứng lên chống lại chế độ thực dân hà khắc, thì bị đàn áp, bắt bớ, tù đày, giết hại... Tội phạm chính trong nỗi cơ cực, lầm than của cả dân tộc Việt Nam hiện tại là bọn thực dân Pháp xâm lược… Cha miên man suy nghĩ. Những ý nghĩ bay đi, vượt biển cả quay trở về đất liền.


Trong hầm tàu những thân hình tiều tụy của tù nhân ngồi xếp lớp. Họ chỉ có thể ngồi bó gối, chống chân lên hoặc duỗi ra. Hai người chung dây xích tay, chung chiếc cùm chân. Họ buộc ngồi bên nhau “thân thiết”, không thể xa rời dù chỉ trong phút chốc. Mọi động tác đi đứng, co duỗi tay chân; không ai làm, muốn làm mà không có người kia tham gia. Dù người này làm, người kia có muốn hay không, và ngược lại.


Trong lúc bị đày đọa đến điểm tột cùng của kẻ thù như vậy. Trong lòng mỗi người tù chính trị phạm, lại trào dâng một tình thương yêu đồng chí, đồng loại thiết tha. Người nọ cố gắng giúp nhau, làm giảm nhẹ nỗi đau của người kia.


Con tàu Harmant Rousseau đang hướng mũi tàu, luớt sóng ra khơi. Sóng biển không lớn. Nhưng trong cái không gian chật chội, đông người của hầm tàu...Thiếu không khí, thiếu ánh sáng. Mùi hắc ín, mùi sơn mới của thành tàu nồng nặc. Liên tục những đợt sóng ngầm đánh vào mạn tàu làm cho con tàu luôn lắc lư, chao đảo. Những người trong hầm tàu là những người hứng chịu trước tiên, nhiều hơn những đợt sóng ngầm, những thứ, những mùi chẳng thơm tho, chẳng mấy dễ chịu kia. Những thứ, mùi… mà ngày nay chúng ta nói là ô nhiễm môi trường. Chúng quyện vào nhau, tác động mạnh đến các dây thần kinh sọ não. Làm cho những người ngồi trong hầm tàu “thất điên bát đảo”, như cha tôi nói. Trong cái tư thế ngồi lắc lư, lại luôn bị nhồi lên dộng xuống không ngừng…Người yếu sức bị trước, người khỏe hơn bị sau. Gần như tất cả tù nhân trong hầm tàu đều bắt đầu thấy chóng mặt, bí hơi. Rồi thình lình, người đầu tiên nôn thốc nôn tháo. Bất ngờ và kìm giữ không được, tất cả những gì có trong dạ dày, gan ruột đều phải tống tháo ra hết, mới nhẹ người. Khi người vừa nôn mửa cảm thấy dễ chịu chút ít, cũng là lúc kịp nhận ra…Người ngồi đối diện mình, mặt mũi, tay chân đã hứng chịu tất cả những gì, mình vừa cho ra. Không ai bảo ai. Như một căn bệnh, lây lan đi rất nhanh. Khắp trong hầm tàu đều có người, đều nghe tiếng nôn ọe ầm ầm. Hết chất thức ăn trong dạ dày, thì người ta nôn ra mật xanh, mật vàng. Hết mật thì nôn khan, nôn ra hơi. Khi đã nôn ra mật, nôn hơi không là lúc sức lực con người kiệt quệ lắm rồi. Nhưng, trước cảnh tượng, mắt nhìn thấy những thứ hỗn hợp của chất nôn mửa và sực nức mùi hôi thối đến không chịu nổi đưa vào mũi…Phản ứng của cơ thể là không tiếp nhận được, nên người ta vẫn có các động tác nôn ọe.


Sức lực suy yếu dần, nhưng tinh thần thì không được để mất. Tuy, không nói thành lời, nhưng tất cả tù chính trị phạm trong chuyến vượt biển năm ấy, hạ quyết tâm…Không được chết, không được bỏ cuộc giữa đường. Người khỏe chăm sóc, giúp đỡ người yếu. Người yếu vừa giúp đỡ người yếu nhiều. Tất cả phải cùng nhau đi tới đích, để sau này còn trở về, tiếp tục cuộc đấu tranh. Mục đích cuối cùng trong cuộc đấu tranh này của chúng ta là Độc lập, Tự do cho Tổ Quốc. Hiện tại, chúng ta cũng đang ở trung tâm một cuộc đấu tranh vô cùng cam go, quyết liệt. Đó là, chúng ta phải sống, phải giữ gìn sức lực. Chúng ta phải là những người chiến thắng sóng gió, biển cả. Không được để cho kẻ thù lợi dụng những tác hại của thiên nhiên, mà quật ngã chúng ta. Chúng ta không có con đường nào khác… Cha tôi cùng một số các bác, các chú tù chính trị khác đã lên tiếng, nói những lời động viên, tâm huyết với mọi người.


Cảnh tượng thê lương cứ kéo dài suốt mười tám tiếng đồng hồ. Cái hầm tàu Harmant Rousseau quả thực là địa ngục giam cầm, đày đọa những người tù chính trị, trong chuyến vượt biển năm một chín hai chín.


Chỉ cách nhau một cái vách ngăn thành tàu thôi… Mà bên ngoài hầm tàu là cả một biển trời bao la. Nước biển trong xanh. Gió khi lồng lộng, lúc hiu hiu thổi mát rượi, êm ái xoa dịu tầm hồn. Không khí trong lành, thoáng đãng, không mùi vị, không màu sắc…


4.


Côn Đảo hay còn gọi là Côn Lôn. Là một quần đảo tiền tiêu, trấn giữ phía Đông vùng biển của Việt Nam . Côn Đảo gồm mười sáu hòn đảo lớn nhỏ. Tổng diện tích của Côn Đảo là hơn bảy chục kilômét vuông. Côn Lôn là hòn đảo lớn nhất. Côn Đảo cách Vũng Tàu một trăm bảy chín kilômet.


Thực dân Pháp, năm 1862, đầu tiên cho xây dựng một hệ thống trại giam tàn khốc nhất, được mệnh danh là “địa ngục trần gian” ở Côn Đảo. Từ khi xây dựng, vào những năm sáu mươi thế kỷ mười chín, đến năm một chín bảy lăm, ngày giải phóng Miền Nam , thống nhất đất nước. Côn Đảo – “địa ngục trần gian” tồn tại một trăm mười ba năm. Trong hơn một thế kỷ đó…Những người bị giam cầm, chịu cảnh tù ngục vô cùng ác nghiệt. Có chín hai năm dưới chế độ lao tù của thực dân Pháp. Hai mốt năm dưới chế độ tù đày của thời Mỹ - ngụy. Tội ác chồng chất nơi đây của kẻ thù, có sự góp mặt của hai tên thực dân cũ và mới là Pháp và Mỹ, cùng bọn tay sai.


Cư dân ban đầu sống trên hòn đảo Côn Lôn là những tù chính trị phạm và nhân viên coi ngục. Trải qua hơn một trăm năm tồn tại… Đã có hơn hai trăm nghìn người dân yêu nước, Chiến sỹ Cách mạng, chiến sỹ Cộng sản bị giam cầm, bị đọa đày tại Côn Đảo. Có tới hai mươi ngàn người tù đã hy sinh.


Những di tích bi hùng còn hiển hiện ra trước mắt ta đó…Di tích thực địa đầu tiên là Cầu Tàu 914. Con số…gần cả triệu kia không phải ngẫu nhiên mà có. Năm một ngàn tám trăm bảy ba, thực dân Pháp khởi công xây dựng Cầu Tàu, ở Côn Đảo. Cầu tàu là nơi cập bến cho tất cả các tàu bè lớn nhỏ từ đất liền ra, tàu các nước vào. Một công trình đồ sộ, lớn lao như vậy…Mà bọn thực dân chỉ sử dụng sức lao động khổ sai, cực nhọc, dã man của tù nhân. Đã có chín trăm mười bốn người tù chết trong khi xây dựng cầu tàu. Cái tên Cầu Tàu 914 xuất xứ từ sự bi thảm và đau thương đó.


Trên mảnh đất Côn Đảo thời Pháp, rồi thời Mỹ ngụy…Các trại giam mọc lên như nấm, với diện tích hàng chục vạn mét vuông. Những khu như Binh I, Banh (Bagne)II, Bang III chính, phụ; hầm xay lúa, hệ thống xà lim, chuồng bò, chuồng cọp…Thời Mỹ ngụy, hàng loạt nhà giam xây theo kiểu Mỹ, độc ác, dã man với những cái tên mỹ miều. Như…”trại cải huấn” Phú Phong - số 5, Phú An - số 6, Phú Bình - số 7… Có tới năm trăm phòng cầm cố. Giam cầm, tra tấn, cực hình rất dã man, lao động khổ sai…Là tất cả những gì, bọn thực dân cũ cũng như mới, đã làm đối với những người yêu nước Việt Nam, không may sa vào tay chúng. Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng ngàn, vạn những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam .


Chọn Côn Đảo làm nhà tù lớn, tàn khốc, dã man… Bọn thực dân đế quốc muốn tách người tù ra khỏi gia đình họ, biệt lập với dân, rời xa phong trào cách mạng của cả nước. Để chúng dễ bề đàn áp, thủ tiêu người tù, mà dư luận khó bề hay biết. Song, kẻ thù đã lầm…Nhà tù Côn Đảo luôn là một chiến trường đấu tranh Cách mạng quyết liệt nhất. Với trí thông minh, ngoan cường của mình…Những người tù đã biến nơi “địa ngục trần gian” thành trường học. Trường học đường đời, trường học đấu tranh Cách mạng! Trí tuệ lớn với bộ óc sáng tạo vô tận, của cả một khối thống nhất những người tù…Đã sản sinh ra nhiều phương pháp đấu tranh khôn khéo, dũng cảm.


Từ khi có Đảng Cộng Sản ra đời, năm một chín ba mươi. Những người Cộng sản trong các tổ chức Đảng ở Côn Đảo, đã lãnh đạo những người tù chính trị phạm và cả tù thường phạm trong mọi cuộc đấu tranh. Đấu tranh có tổ chức,có mục tiêu rõ ràng. Bằng nhiều hình thức… Các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, chống sự tàn bạo của chúa đảo, cai ngục thường xuyên, bền bỉ diễn ra. Anh chị em tù, vừa đấu tranh với kẻ thù, vừa phải bảo vệ đội ngũ của mình. Giữ vững khí tiết, trau dồi bản lĩnh Cách mạng, đấu tranh mưu trí, dũng cảm… Là mục tiêu lớn trên trận tuyến vô cùng cam go, ác liệt chốn lao tù, của các Chiến sỹ Cách mạng.


5.


Trên hòn đảo Côn Lôn, những tháng ngày trước biến cố xảy ra…


Lớp tù chính trị phạm đầu tiên bị bắt và bị đày ra Côn Đảo, số lượng còn ít. Thành phần, đa số là những cán bộ của Việt Nam Quốc dân Đảng và số ít là cán bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Những người tù đầu tiên này, lúc đầu, được hưởng một chế độ tù khá thoải mái hơn tù thường phạm. Tù nhân không phải mặc quần áo tù màu xanh nhuộm chàm, như quy định. Không phải cạo trọc đầu, được đi dép guốc. Không bị nhốt trong các khám, được tự do đi lại nơi quy định. Được bố trí cho làm vườn. Một số tù chính trị phạm có trình độ văn hóa, được chúa đảo chọn làm việc tại các văn phòng. Nhiều người đã khảng khái từ chối, không hợp tác với địch, bị phạt giam một tuần lễ. Ngày tết Âm lịch, hàng trăm tù thường phạm được mời về nơi tù chính trị phạm, ăn uống, chúc tết nhau vui vẻ.


Cha tôi viết…Đó là “thời thịnh” đối với những người tù chính trị ở Côn Đảo.


Nhưng rồi, tình hình đổi thay… Trong đất liền, sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái nổ ra. Phong trào Cách mạng những năm một nghìn chín trăm ba mươi, ba mốt, ngày càng dâng cao. Cuộc đấu tranh của toàn dân tộc ta càng quyết liệt, thực dân Pháp càng đàn áp dã man. Hàng nghìn tù chính trị phạm tiếp tục bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Những tin tức, cả tốt lẫn không tốt, từ đất liền không ngừng bay tới nơi đảo xa. Tin tức đã tác động mạnh vào tư tưởng nôn nóng của một số tù chính trị Việt Nam Quốc dân Đảng. Đứng đầu nhóm người nóng vội, quá khích này là ông Phạm Tuấn Tài. Họ cho rằng, không thể ngồi yên, chờ đợi được nữa. Không khéo Đảng, Việt Nam Quốc dân tan rã mất. Phải làm một cái gì đấy…Như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu dám làm, mặc dầu thất bại. Không thể để chết rũ xác trong tù. Phải xứng đáng, phải chứng tỏ rằng, Đảng vẫn đang tồn tại…


Thế là, một âm mưu được nhen nhóm trong đầu một vài người, còn được giữ trong vòng bí mật. Sau là, vạch ra một kế hoạch…Một kế hoạch bạo động đầy phiêu lưu, mạo hiểm. Mục đích của cuộc bạo động và kế hoạch vạch ra là đánh chiếm đảo Côn Lôn, cướp tàu biển. Rồi, những người làm bạo động sẽ lên tàu cướp được, rút đi nơi khác.


Lúc này, cha vẫn đang ở trong hàng ngũ Việt Nam Quốc dân Đảng. Với cái nhìn khách quan, phân tích tình hình một cách lôgic, khoa học và biện chứng. Cha tôi viết…Thật ra, kế hoạch bạo động, cướp đảo của nhóm người do ông Phạm Tuấn Tài đứng đầu, chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, phiêu lưu, mạo hiểm.


Trang bị vũ khí để làm một cuộc bạo động quá sơ sài…Đạo quân những người nổi dậy là tù chính trị và tù thường phạm tham gia, không thuần nhất, ô hợp. Về số lượng, dù có đông đảo đến mấy. Những người làm bạo động dù có lòng đầy nhiệt huyết, dũng cảm phi thường, cũng không thể tấn công đồn bốt địch chỉ bằng ý chí! Với lý lẽ phân tích như vậy…Kế hoạch tấn công đồn bốt giặc trên đảo, như dự định ban đầu, phải hủy bỏ.


Một kế hoạch mới được đưa ra… Bỏ thuốc độc vào thức ăn, đồ uống trong bữa tiệc của viên chức, binh lính Pháp, nhân ngày Quốc khánh Pháp, 14 tháng 7. Kế hoạch thực hiện thông qua những người bồi bàn, làm bếp, phục vụ cho bọn chúa đảo. Kế hoạch cũng không thành. Bởi, ngay từ khi kế hoạch bạo động được đưa xuống những người chủ chốt tù thường phạm đã không giữ được bí mật…Tin tức đưa đi, đưa lại quá lộ liễu. Nhiều tù thường phạm thì thầm, truyền tin với nhau, sắp được “cứu” rồi. Thế là âm mưu, kế hoạch “đầu độc địch” bị bại lộ.


Một giả định được đặt ra…Việc đánh chiếm đảo thành công. Những người làm bạo động lên tàu, rút đi nơi khác. Nhưng làm thế nào, mà đánh chiếm được chiếc tàu biển lớn, được trang bị phòng thủ đầy đủ? Giả định, lên được tàu rồi. Những người làm bạo động sẽ đi về đâu? Cập bến nơi nào? Đến lục địa Trung Quốc, về địa lý, gần Việt Nam hơn cả. Nhưng lúc này, ở đại lục Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch đang nắm quyền. Bọn Tưởng sẽ không ngần ngại gì, mà không báo ngay cho thực dân Pháp ở Sài Gòn. Hay bắt lại tù, giao cho Pháp, để tâng công.


Âm mưu, kế hoạch bạo động dang dở, chưa có phần nào được thực hiện … Thì, sáng sớm ngày 15 tháng 7 năm 1930, lính Pháp súng lăm lăm trong tay, lưỡi lê tuốt trần, ập đến “Sở rẫy ông lớn”. Chúng tập hợp tất cả tù chính trị phạm, bắt giải đi. Kết thúc những tháng ngày “thời thịnh” của những người tù chính trị trên hòn đảo Côn Lôn.


Một số tù không biết gì về âm mưu bạo loạn bị bại lộ, thì ngơ ngác, không hiểu gì khi bị bắt. Số tù biết nguyên nhân cuộc bắt bớ hôm nay… Thì nghĩ rằng, âm mưu cuộc bạo động bị bại lộ.Giờ, là lúc địch trả thù. Chúng sẽ đem tất cả tù ra xử bắn!...


Đoàn tù bị dẫn giải đi đến bãi đất trống, nơi kẻ thù dùng để hành quyết tù. Tưởng là sẽ bị xử bắn tù ở đây… Nhưng không, đi qua bãi đất trống, đoàn tù đi về hướng bến tàu. Tất cả tù bị dồn xuống chiếc xà lan đã chờ sẵn. Có lẽ, chúng sẽ bắn tù từ trên bờ, rồi cho chìm chiếc tàu, cho đơn giản mọi việc…Chiếc xà lan thẳng hướng ra khơi. Một chiếc tàu lớn đang chờ ở đó. Những người tù vừa lên tàu, vừa nghĩ…Phen này, địch sẽ đem tù về xử tại tòa đại hình Sài Gòn ?!... Một lần nữa, lại không phải như mọi người nghĩ. Chiếc tàu lớn không chạy về hướng Sài Gòn, mà vòng qua đảo Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Bãi Cạnh…Rồi tù được đổ xuống một hòn đảo nhỏ… Hòn Cau!


Nói về sự nôn nóng, hành sự nóng vội, phân tích tình hình của ta và địch không sâu sắc… Nhóm người đứng đầu tù chính trị Việt Nam Quốc dân Đảng, đã vội manh động làm cuộc bạo động.


Cha viết… Họ không thấy rằng, đảng cách mạng phải ăn sâu, bám rễ vào nhân dân. Họ cũng không nghĩ rằng, phong trào cách mạng có lúc lên, lúc xuống. Cái chính là phải làm sao, đảng luôn sống trong lòng nhân dân. Ở trong lòng nhân dân, đảng không thể bị tiêu diệt. Sẽ có ngày, đảng lại lớn mạnh lên cùng với phong trào đấu tranh.


Cha nhìn nhận một cách rất khách quan và biện chứng…Sự khác biệt cơ bản về tư tưởng giữa những người Cộng sản và những người Quốc dân Đảng.


Cha viết… Những người Cộng sản, khi vào tù là nghĩ ngay đến nhiệm vụ quan trọng, mục tiêu trước mắt…Biến nhà tù thành trường học cách mạng. Nhà tù phải là nơi đào tạo cán bộ cách mạng qua các đợt học tập, huấn luyện. Nhà tù là cái lò tôi luyện ý chí đấu tranh của người cộng sản, trong điều kiện vô cùng ác nghiệt. Trong môi trường bị giam cầm, bị tra tấn dã man của kẻ thù…Đã sản sinh ra nhiều phương pháp đấu tranh thông minh, khôn khéo, cần để học tập. Mục đích và phương pháp đấu tranh trong lao tù của các chiến sỹ Cộng sản là…Đấu tranh quyết liệt, bền bỉ với kẻ thù, đồng thời bảo toàn lực lượng của mình. Cũng trong điều kiện đấu tranh cam go ấy… Cha tôi viết, trừ một số kẻ mất phẩm chất, đầu hàng địch. Còn lại những người Quốc dân Đảng hăng hái đấu tranh, thì không tìm ra lối thoát. Họ chỉ nghĩ đến manh động. Âm mưu bạo động, chiếm đảo Côn Lôn của những người Quốc dân Đảng không thành…Cũng chính là sự bế tắc của nhóm những người Quốc dân Đảng. Khi mục đích, đường lối chính trị, đấu tranh không rõ ràng. Nắm bắt thời cơ, vận mệnh đất nước không nhạy bén.


Đó là những gì xảy ra trên hòn đảo Côn Lôn. Cách không lâu, trước khi con tàu Harmant Rousseau chở đoàn tù mới, cập bến Côn Đảo. Trên con tàu biển đó, những người “hành khách” bắt buộc là cha tôi cùng nhiều tù chính trị phạm khác. Sau biến cố bạo động xảy ra trên đảo Côn Lôn, những người tù mới đến, cũng được đưa ngay đến hòn đảo nhỏ là Hòn Cau.


Chương 18. Cú ngã từ sườn núi cao rơi xuống hang yến sâu thẳm.


1.


Sau hơn một ngày rưỡi lênh đênh trên biển, chiếc tàu Harmant Rousseau tới Côn Đảo.Tàu cập bến Cầu tàu 914. Đoàn tù mới gồm toàn những chính trị phạm, kết thúc chuyến vượt biển đầy gian nan, khổ cực. Tất cả đã cùng đi đến đích. Đó là một thắng lợi. Trước mắt, mọi người cần chuẩn bị cho trận chiến mới. Trong hoàn cảnh mới. Khó khăn, gian khổ mới…


Những người tù mới đến… Theo thông lệ, họ được đưa đến một nơi biệt lập. Khu biệt lập ở Côn Đảo, lúc ấy, là Nhà thương hủi cũ, người miền Nam gọi bệnh hủi là cùi. Tại đây, trước kia là nơi chữa trị bệnh nhân hủi. Nay, Nhà thương hủi không còn nữa, nhưng tên cũ vẫn gọi như vậy. Ở khu biệt lập, những người tù mới được nghỉ một tuần lễ. Để làm các công việc về y tế. Nhân viên y tế của đảo khám sức khỏe, cách ly các bệnh lây lan, truyền nhiễm và tiêm thuốc. Sau đó, những người tù, mới được sắp xếp đi các trại, các khám.


Mới đặt chân đến Côn Đảo, cha đã nắm bắt nhiều thông tin về đảo, về bọn cai ngục, chúa đảo. Trên hòn đảo Côn Lôn vừa xảy ra biến cố như đã nói. Nên tình hình đã thay đổi khác xưa nhiều. Và những tù chính trị phạm mới đến sẽ không ở đảo Côn Lôn.


2.


Tiếp theo đoàn tù vừa thoát chết sau vụ bạo động cướp đảo Côn Lôn không thành. Cư dân trên hòn đảo Hòn Cau có thêm đoàn tù mới.


Hòn cau. Một hòn đảo nhỏ, nằm cách Côn Lôn tám killômet, rộng một phẩy tám kilômet vuông. Ở đảo Hòn Cau có nhiều cau rừng, quả to như quả trứng gà, hạt đỏ như son. Do nét đặc trưng này, hòn đảo mới có cái tên là Hòn Cau! Trên đảo còn có cả một rừng dừa, na (miền Nam gọi là mãng cầu ), chuối…


Cha tôi viết, cha và các chú bác tù chính trị phạm năm ấy, đến đảo Hòn Cau vào khoảng tháng 8 năm 1930. Cảnh sắc thiên nhiên trên đảo Hòn Cau thật tuyệt vời! Ấn tượng đầu tiên, khi cha bước chân lên hòn đảo nhỏ là… Không thấy gì là cảnh tù đày và cũng không có cảm giác, mình là tù nhân. Trên hòn đảo nhỏ, chỉ thấy một màu xanh man mác của núi rừng và biển trời. Màu xanh mát mắt và làm êm dịu thần kinh . Tại nơi trung tâm của đảo…Một thung lũng nhỏ, xinh nằm gọn giữa dãy núi uốn cong. Hai đầu dãy núi giống như hai cánh vươn dài ra biển. Những trại tù, nhà ở của cai ngục trên thung lũng, lập nên thị trấn nhỏ, sầm uất. Bờ biển phía trước đảo là một dải cát vàng, chạy dài từ mỏm cánh núi bên này sang mỏm núi cánh bên kia. Trước mặt đảo là dãy núi Bãi Cạnh. Trên đỉnh một ngọn núi dãy Bãi Cạnh, có một đài đèn pha chiếu sáng ban đêm. Ngọn đèn pha phát sáng, chỉ hướng cho tàu bè qua lại ngoài khơi xa.


Cha tôi viết…Với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ ở Hòn Cau như thế này. Mai đây, khi nước nhà được Độc lập, Tự do, ta có thể xây dựng một nơi nghỉ mát, an dưỡng sẽ rất tốt. Còn bây giờ, nơi đây đang giam giữ các Chiến sỹ Cách mạng. Những người đang từng giờ, từng ngày đấu tranh cho nền Độc lập, Tự do của Tổ Quốc.


Ước mơ của cha lúc bấy giờ… Ở chốn lao tù như thế. Cha vẫn nhìn thấy tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Cha tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng ở ngày mai của đất nước. Là con, lớp người thế hệ sau, tôi vô cùng xúc động! Cả trăm ngàn lần, tôi thầm nói lời biết ơn… Cha tôi, mẹ tôi, các vị tiền bối đã cho chúng ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Nhiều khu nghỉ mát, nhà an dưỡng không chỉ mọc lên ở Côn Đảo, Hòn Cau…, mà ở khắp đất nước Việt Nam.


Cuộc đấu tranh và những ước mơ của các thế hệ tiền bối đã cho thành quả ngày hôm nay. Thế hệ hậu sinh đã và đang nối tiếp sự nghiệp của cha ông trong hòa bình, đất nước Độc lập, Tự do hoàn toàn. Hòn đảo nhỏ Hòn Cau đang ngày một đổi thay, rực rỡ hơn với màu xanh muôn thuở của núi rừng và biển cả.


Tôi xin quay trở lại, “theo chân cha” đến Hòn Cau vào những năm ba mươi thế kỷ 20.


Biển ở Hòn Cau là nơi sinh sống rất nhiều những con vích. Vích là loài rùa biển, nhưng vích lớn hơn rùa biển nhiều. Ở miền Bắc, từ bé đến lớn, tôi chưa từng nhìn thấy loài rùa biển to lớn bao giờ. Tôi chỉ đọc thấy trong truyện cổ tích khi đã lớn. Ăn thịt vích, lại càng chưa có dịp. Sau ngày giải phóng miền Nam , thống nhất đất nước. Về sinh sống ở Nha Trang, tôi mới được biết đến thịt con vích.


Đọc những dòng chữ, cha nói về con vích ở Hòn Cau, sao mà dí dỏm, hay hay đến thế! Cha tả con vích như…” một nhà động vật học” rất say nghề vậy! Sự quan sát tỷ mỷ và tấm lòng yêu quý động vật, cha giữ mãi, suốt hai chục năm trời. Từ năm một nghìn chín trăm ba mươi, lúc cha bị tù ở Hòn Cau. Cho đến năm một nghìn chín trăm năm mươi, cha mới viết ra trong tập Hồi ký tại Chiến khu Việt Bắc.


Cha tả loài rùa biển ở Hòn Cau rất mộc mạc, dân dã… Con vích. Kích cỡ trung bình của vích phải to hơn cái mẹt, gần bằng cái nia. Đặc tính của con vích là sống dưới nước, nhưng khi đẻ lại lên bờ. Về đặc tính này, người ta truyền tụng câu tục ngữ “ngu như vích.” Bởi, hàng năm vào mùa gió chướng, thường vào ban đêm. Vích lên bãi cát vắng, bới một hố sâu, rồi đẻ trứng vào đó. Khi nằm ổ, vích vừa đẻ, vừa thở phì phì như trâu. Mỗi lần, một con vích có thể đẻ cả hơn trăm trứng. Trứng vích to như trứng ngỗng. Đã có lần, cha gặp một ổ trứng vích, có tới một trăm hai chục quả trứng. Cha nói vui với một người bạn tù : “Mụ vích này còn đẻ nhiều hơn bà cụ tổ Âu Cơ nhà mình”. Đẻ xong, vích lại dùng đôi chân rất khỏe của mình cào cát lấp trứng cẩn thận. Xong xuôi mọi việc, con vích mới bò xuống biển.


Trên đường bò trở về biển là lúc, con vích có thể gặp nguy hiểm. Nắm rõ quy luật sinh đẻ của vích. Một số tù, ban đêm, ra bãi biển, ẩn nấp vào một chỗ kín theo dõi. Đợi con vích đẻ xong. Hai người lặng lẽ luồn cây gậy dưới bụng, rồi lật ngửa con vích. Khi con vích ở tư thế nằm ngửa, nó hoàn toàn bất lực. Sáng hôm sau, người ta khiêng vích về xẻ thịt, lấy luôn cả ổ trứng về ăn. Những ổ trứng vích không bị lấy đi, đủ ngày, đủ tháng trứng nở. Vích con tự bò ra khỏi ổ. Hàng đàn vích con bò về phía biển. Cuộc sống dưới nước của vích con bắt đầu…


Trong điều kiện khó khăn,gian khổ… Những người tù luôn tìm mọi cách để sống, cải thiện bữa ăn, để có sức đấu tranh lâu dài. Thịt vích nghe nói, ăn ngon như thịt bò. Nhưng thịt vích không được đun hai lửa, nấu lại sẽ rất tanh, không ăn được.Trứng vích ăn như trứng vịt. Thịt vích làm món bít tết. Trứng vích làm bánh ga tô. Chân vích chiên rán giòn là món nhậu không thể chê vào đâu được. Đó là những món ăn rất được ưa chuộng của những người tù ở đảo Hòn Cau. Lưng vích là sự kết hợp của mười ba cái mai nhỏ thành cái mai lớn. Mai vích không được nhẵn bóng như đồi mồi, nhưng làm đồ trang sức cũng rất đẹp!


Ngoài vích, biển ở Hòn Cau có rất nhiều cá. Những người tù ăn cá tươi quanh năm. Cha tôi nói, bác Nguyễn Bình là người cầm đinh ba xỉa cá rất giỏi. Đã có lần, bác Bình xỉa được cả một con cá mập vừa nuốt một con cá măng to. Cha tôi tự nhận mình bất tài, chỉ bắt ốc, cậy ú nàng ở vách đá. Ú nàng là một loài trai nhỏ, miền Nam gọi chung là sò huyết.


Sau cơn bão tháng chín, năm ba mốt, cư dân ở Hòn Cau thu được rất nhiều cá. Cá bị sóng đánh giạt vào bờ. Cá làm thực phẩm, cá muối mắm. Những người tù còn nấu muối ăn, nấu rượu… Dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên và sức lao động của chính mình. Những người chính trị phạm ở Hòn Cau đã tạo ra một cuộc sống, có thể nói là tốt tươi. Về vật chất lẫn tinh thần, cuộc sống của họ đã vượt xa chế độ nhà tù của thực dân.


Nói về sự “tự nhận bất tài” của cha. Các bác, bạn thân thiết của cha nói rằng, điều đó đúng. Nhưng, chỉ đúng trong lao động chân tay. Với cái đầu thông minh và bàn tay quen cầm bút thì... Hiệu quả công việc, sự thông thái, uyên bác của cha, không gì so sánh được.


Ở Hòn Cau, có được điều kiện. Gần như tất cả thời gian và tâm chí, cha dành cho hai niềm đam mê lớn. Đó là học tập và sưu tầm tài liệu về lịch sử cách mạng cận, hiện đại Việt Nam.


3.


Tết Nguyên Đán đầu năm 1931 là cái tết đầu tiên của các tù chính trị phạm ở Hòn Cau. Tết được tổ chức vui. Cỗ tết có đủ rượu, thịt, hoa. Có cả liên hoan văn nghệ.


Sau tết, tờ Hòn Cau tuần báo khởi xướng. Nêu lên ý tưởng, nên khám phá sâu hơn, rộng hơn về Hòn Cau. Mọi người hưởng ứng nhiệt thành.Nhưng, khi ghi tên vào danh sách đi “du lịch” Hòn Cau, thì chỉ có bốn người. Ít người tham gia chuyến tham quan Hòn Cau lần này, có lý do của nó...


Lúc bấy giờ, đoàn gồm những thanh niên, trai tráng, có thể nói là, dũng cảm, hơi phiêu lưu, mạo hiểm. Còn bây giờ, tôi xin gọi, đó là các chú, các bác: Phạm Tuấn Tài, Đào Khắc Hưng, Hoàng Trác và cha tôi. Mỗi người đi, đeo một cái túi đựng gói cơm nếp, thức ăn, nước uống và tay chống gậy. Dắt theo cả con chó.


Mục tiêu cuộc hành trình là đến nơi chưa ai đến được. Đó là vùng rừng núi phía sau dãy núi vòng cung trên đảo Hòn Cau. Nơi đây, sườn núi dốc dựng đứng. Rừng cây rậm rạp, u tịch đến rợn rợn người. Dưới chân núi không có bãi đất trống hay dải cát vàng của bờ biển. Chỉ có dốc núi đá và cây cối. Từ sườn núi cao nhìn xuống chân núi, giống như ta đứng nhìn dưới chân mình vậy. Gian khổ, khó khăn của cuộc leo núi này đang ở phía trước...Nói theo cách bây giờ. Trên người những “vận động viên leo núi” không có bất cứ thứ gì là bảo hiểm thân thể cả. Có chăng, chỉ là một chiếc gậy cầm tay và lòng quyết tâm vượt lên gian khó, nguy hiểm mà thôi!


Vậy, ở sườn núi phía sau đảo Hòn Cau này, có cái gì hấp dẫn? Điều gì khơi gợi sự tò mò của mọi người? Phải chăng, phía sau cái màn bí ẩn đang chứa chất nhiều điều chưa được biết? Một kho báu? Không, đây không phải là sự tò mò, thích đi tìm kho báu của lứa tuổi thanh thiếu niên mới lớn. Cũng không phải như trong Truyện cổ tích Harry Potter. Càng không phải, bốn người đi tìm mỏ như các nhà địa chất...


Cuộc đi thám hiểm của bốn người tù chính trị lần này có ý nghĩa, mục đích khác, rất khác. Họ đi, có thể họ tìm ra được một tài nguyên quý cho đất nước, sau này? Hay, chỉ là, họ thích làm một cuộc du ngoạn đầu xuân?... Nơi họ sẽ đặt chân đến là khu rừng nguyên sinh. Ở đó, được biết, có một thứ sản vật, quý như vàng ròng vậy!. Sản vật quý đó, là yến sào. Ở nơi thâm cung sơn địa đó, có nhiều hang chim yến. Những điều mới lạ, bí ẩn ở khu rừng chưa có dấu chân người này... Đang như củng cố lòng quyết tâm của những người “thám hiểm”.


Từ khi, tôi về làm việc, sinh sống ở Nha Trang Khánh Hòa. Tôi đọc, hiểu rõ hơn rất nhiều về sản vật quý là Yến sào và loài chim rất đặc biệt là con chim yến. Khánh Hòa là tỉnh có sản lượng Yến sào cao nhất nước.


Hàng năm, cứ đều đều diễn ra vòng quay quy luật tự nhiên. Con chim yến từ nơi xa bay về làm tổ, đẻ trứng ở một số hang đảo đá.


Bắt đầu từ cuối tháng mười hai dương lịch. Chim yến mái, chim trống miệt mài kết tổ. Tổ yến được làm từ nước bọt con chim yến. Tổ yến có màu trắng ngà. Có thể, có tổ yến có vết màu hồng hồng, gọi là yến huyết. Giới chuyên môn am hiểu về yến sào, cho là...Vết đỏ hồng ở tổ yến là dính máu trong nước bọt tiết ra của con chim yến, trong khi làm tổ. Giá trị bổ dưỡng của loại yến huyết này, cho rằng, tăng lên nhiều lần. Từ đó, giá cả yến huyết trên thị trường cũng cao hơn yến sào thông thường. Người ta cũng khuyến cáo, có thể, có yến huyết giả. Vết hồng hồng, vàng vàng ở tổ yến, có thể, là giọt nước mưa ở vách đá thấm vào.Tổ chim yến bình thường to bằng tổ chim sâu. Trông bề ngoài tổ yến, như kết lại bằng các sợi miến khô. Miệng tổ yến có hai mấu nhỏ gọi là hai chân, dùng để gắn tổ vào vách đá. Nơi, chim yến làm tổ là những hang động thoáng mát. Vách đá cheo leo, rất trơn để rắn, chuột khó leo tới.


Việc xây tổ ở đợt đầu kéo dài đến tháng tư. Chim yến mái đẻ trứng vào tổ. Nhưng, nếu tổ bị bóc, bị rơi. Mất tổ, vợ chồng nhà chim yến lại vội vã, hì hụi làm tổ mới trong vòng một tháng, để... Chim yến mái kịp đẻ trứng, ấp trứng và nuôi con, trước mùa mưa bão. Nếu trứng bị rơi, chim yến mái đẻ trứng thứ hai. Mỗi năm, chim yến mái chỉ đẻ có một lần, mỗi lần đẻ từ một đến hai trứng. Trứng chim yến có kích cỡ từ mười bốn đến hai hai milimet. Trứng ấp từ hai ba đến hai bảy ngày thì nở thành con. Khoảng bốn mươi đến bốn lăm ngày nữa, chim yến con đủ lớn, rời tổ, theo chim yến bố mẹ đi kiếm ăn.


Cuộc sống của muôn loài vẫn liên tục quay vòng...


Đến cuối tháng sáu, tuyến nước bọt của chim yến bị cạn. Tuyến sinh dục ngừng hoạt động. Nếu tổ yến rơi hoặc bị lấy đi, trứng mất, chim yến cũng không làm tổ và đẻ trứng nữa. Những người khai thác yến sào lợi dụng điều này để thu hoạch tổ yến và dưỡng chim.


Hàng năm có hai đợt thu hoạch yến sào.


Đợt một, vào tháng tư. Tổ yến đợt này to, dày, sạch,tự nhiên.


Đợt hai, vào tháng tám dương lịch. Tổ yến nhỏ, mỏng do chim yến nằm ấp lâu trong tổ. Tổ bẩn, màu sẫm.


Thời nay, để khai thác yến sào. Người ta làm những giàn giáo nhiều lớp, nhiều tầng; bằng các ống sắt, bằng tre nứa vững chắc. Những người đứng bóc tách tổ yến có dây bảo hiểm quanh người. Họ gần như treo lơ lửng người trên vách đá thẳng đứng, trơn trượt.


Ở Hòn Cau lúc là đảo nhốt tù... Người đi lấy tổ yến cũng là những người tù. Họ phải bơi thuyền đến hang yến. Rồi leo lên mỏm núi, ròng người vào hang yến. Họ đứng trong những chiếc quang thúng, mình trần trụi, không áo quần. Bọn chủ sợ tù giấu yến trong áo quần. Mỗi người thu hoạch yến sào, đeo một cái túi vải trước ngực, tay cầm đèn pin. Họ đu đưa người, lần theo vách đá. Họ cạy, bóc, tách hết tổ yến này sang tổ yến khác. Bỏ tổ yến vào túi đeo ở ngực. Họ miệt mài làm cho đến khi không còn tổ yến nào, mới được kéo lên. Những người khai thác yến sào, dù bắt buộc, cũng phải quen với công việc nguy hiểm. Họ cũng không có thời giờ để nghĩ ngợi, nếu chẳng may rơi xuống vực sâu kia. Nơi đó là nước, là đáy biển, cũng là nghĩa địa không đất chôn thây...


Tổ yến từ xa xưa đã được coi như một loại thực phẩm - dược phẩm cao cấp. Yến sào có tác dụng bổ dưỡng rất cao đối với cơ thể người. Có vẻ như, người dùng yến sào, sẽ trở nên “trường sinh, bất lão”! Sự đồn đại có hơi quá chăng ? Về sức mạnh siêu phàm của yến sào? Còn trong thực tế cuộc sống, tác dụng đặc biệt của yến sào, biết được hiện nay, là có thực. Yến sào đang trên bước đường nghiên cứu, đánh giá chính xác bằng khoa học.Đối với một số bệnh, loại dược phẩm cao cấp này đem đến hiệu quả cao trong điều trị. Như các bệnh về phổi, suy thận, hậu sản, suy nhược cơ thể...


Phân tích yến sào cho thấy... Hàm lượng đạm cao, chất béo thấp. Có đủ các loại axit cần thiết cho cơ thể con người. Trong thành phần tổ yến có từ mười đến mười lăm nguyên tố vi lượng. Các nguyên tố vi lượng này... rất cần cho tạo máu. Ổn định thần kinh. Kích thích tạo ra tinh trùng và trứng. Yến sào có đến tám phần trăm axit sialic. Loại axit này kích thích phân bào, đổi mới tế bào cơ thể. Tổ con chim yến chứa hoạt chất sinh học, kích thích sinh trưởng tế bào bạch cầu ngoại biên. Về ưu thế đặc biệt này, yến sào đang được nghiên cứu sâu, để áp dụng vào điều trị bệnh ung thư vú và nhiễm HIV/AIDS.


Tổ yến phải chế biến, mới ăn được. Người ta chưng cách thủy hoặc hấp với đường phèn. Để giữ chất bổ, người ta chưng, hấp với một lượng yến sào nhỏ. Ăn hết một lần, để không bị lãng phí.


Sở dĩ, tôi nói nhiều về tổ của con chim yến và con chim yến, về hang yến. Vì, ở đảo Hòn Cau năm xưa. Cha tôi, chắc chắn, chưa từng được nếm thử mùi vị của yến sào, xem nó bổ béo ra sao? Thì đã ngã lộn nhào, như cha tôi nói, vào cái nơi tử thần là hang chim yến...


4.


Trên một bãi đất rộng, có rất nhiều người ra đưa tiễn đoàn leo núi.


Đoàn khởi hành... Đi về phía bên trái đảo Hòn Cau. Đến chân mỏm núi có tên là Bồ Đề, thì vòng ra phía sau. Đoàn qua bãi đất nhỏ phía sau núi không có khó khăn gì. Từ bãi đất nhỏ, những người “thám hiểm”, đi men theo ven núi. Tốc độ chậm lại, đi thấy khó khăn hơn. Quá mười một giờ, đoàn nghỉ ăn cơm trưa trong một hang núi đá. Rồi đoàn lại lên đường, tiếp tục cuộc hành trình leo núi. Đến đoạn, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt. Mọi người phải vừa đi vừa chặt cây, mở đường thông lối mà đi. Vách núi cheo leo, phải dò dẫm từng bước. Chỉ cần sẩy chân, trượt tay là cả thân người sẽ lao thẳng xuống biển. Cha tôi nói, ngoảnh lại nhìn. Thì thấy, con chó “ngại khó” đã bỏ về từ lúc nào, không ai biết. Qua đoạn rừng núi rậm rạp, đoàn leo núi lên một sườn núi trọc. Đi dễ dàng hơn. Từ đây nhìn xuống chân núi. Thấy nhấp nhô những mô đá, lùm cây ngay sát mặt biển.


Kinh nghiệm của một số những người leo núi nhiều lần, truyền lại. Để tránh đất đá lở từ trên cao ào ạt lăn xuống, đè lên người. Những người leo núi không đi theo hàng ngang trên dưới, mà đi lệch nhau. Một kinh nghiệm nữa... Cha tôi nói, mới rút ra được từ sau chuyến leo núi này. Chuyến leo núi, mà cha tôi xuýt mất mạng. Đó là, không đi leo núi, sau khi trời mới mưa.


Đang chăm chú, dò dẫm đường, nhích đi từng bước một. Cha tôi chống cây gậy, tỳ mạnh lên một hòn đá. Trông nó không có vẻ gì là không bình thường cả. Cha giẵm chân lên hòn đá “định mệnh” đó. Và điều kinh hoàng nhất đã xảy ra...! Hòn đá nằm trên đám đất ẩm ướt sau cơn mưa hôm trước. Đất bị xói mòn bên dưới, hòn đá trở nên chông chênh. Dưới sức nặng đè lên, hòn đá trơn tuột, lăn lông lốc xuống núi. Cha tôi mất thăng bằng nhào theo...


Sự việc diễn ra trong khoảnh khắc, như tia chớp xoẹt qua.. Khi mọi người giật mình hiểu được, điều gì đang diễn ra. Thì,... Chỉ còn biết đứng lặng người, sợ hãi, nhìn theo người bạn của họ. Một thân hình người đang lăn xuống dốc núi, mà chẳng thể làm gì được.


Nhiều chuyện sau này mới được kể lại. Cảnh tượng diễn ra mang đậm màu sắc ly kỳ, rùng rợn. Tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích hay trong các phim ảnh hành động hiện đại. Không, đây là chuyện có thật, không thể có điều thật hơn thế!


Sau này, cha tôi nhớ lại... Khi sẩy chân, cha đã bất tỉnh. Người như không có trọng lượng, nhẹ bẫng, “bay vào không trung”. Cha chỉ còn lờ mờ hiểu rằng... Cha trượt chân, ngã nhào, lăn xuống núi. Hình như, khoảng cách xa lắm, mới chạm đất. Cha mơ màng cảm nhận... Toàn thân mình đã lăn lông lốc theo triền núi, thỉnh thoảng lại nảy người lên, rồi mới nằm yên.


Rồi cha chợt tỉnh...Cố gắng động đậy tay chân. Từ trên cao, các bác bạn cha nhìn thấy, cha giơ tay vẫy vẫy và nói điều gì đó, nghe không rõ. Sau này, mới hiểu. Cha tôi cố nhổm người dậy, vẫy tay và nói: < >. Cha vừa dứt lời, một tia máu lớn phọt ra từ đầu. Tia máu, như bác Phạm Tuấn Tài nói, phun ra thành vòi, “cao như chiếc đòn gánh”. Cha tôi nằm vật trở lại, không nhúc nhích gì nữa. Các chú, bác trong đoàn đi cho rằng, chắc cha tôi không còn sống nổi nữa. Ba người vừa khóc, vừa giơ tay chào vĩnh biệt cha tôi lần cuối. Mọi người đau buồn, lòng dạ trĩu nặng, tìm đường về trại.


Các chú, bác đem tin dữ về trại. Một bầu không khí nặng nề, đau thương bao trùm lên tất cả. Cả trại họp lại. Nhiều ý kiến bàn bạc khác nhau được đưa ra. Trong các ý nói ra, có cả ý kiến cho rằng, chỗ cha nằm... chết, không thể tới được. Vì nơi đây, vách đá cheo leo, hiểm trở. Cây rừng rậm rạp, dây leo chằng chịt. Đây, chính là một cái hang chim yến! Theo ước tính của các bác cùng đi... Từ chỗ cha trượt chân, lao người, lăn xuống vách núi, tới chỗ dừng lại. Độ cao khoảng tám chục mét. Có ý kiến cho rằng, phải đốt lửa báo tin về Côn Lôn. Để chủ đảo đưa tàu sang Hòn Cau, áp sát vào mé núi, lấy... xác cha tôi về.


Ôi, viết đến đây, tôi không dám nghĩ tiếp nữa! Có cái gì đấy đang nhói trong tim tôi. Nếu sự thật tàn khốc kia xảy ra... Mẹ tôi đã trở thành góa bụa. Các anh chị tôi đã mồ côi cha và... tôi. Tôi và cả các em tôi sau này, đã không thể có ở trên đời này. Nhưng, một điều quan trọng, vô cùng quan trọng hơn thế nữa. Đất nước Việt Nam thân yêu cũng đã không có được... Một Nhà Sử học uyên bác, một Chiến sỹ Cách mạng giầu lòng yêu nước, một Nhà Thơ lãng mạn, trữ tình; một Nhà Báo có ngòi bút sắc sảo...


Tôi cảm ơn số phận đã mỉm cười với gia đình tôi. Không thể khác được! Gia đình tôi mang ơn mãi mãi các bác Nguyễn Bình, Phạm Hữu Phủng và những người bạn đã cứu sống cha tôi năm ấy. Nếu không có sự cương quyết đến tận nơi, thấy tận mắt, ngay trong đêm sự cố xảy ra... Chắc gì, cha tôi sống được đến ngày hôm sau. Các bác nói, nếu anh ấy, tức cha tôi, còn sống, đợi đến sáng mai thì quá muộn. Một quyết định vô cùng sáng suốt, đầy tình nghĩa con người sâu nặng! Giờ đây, tôi chỉ còn biết, cả nghìn lần nói lời: CẢM ƠN đến những Người Bạn Lớn của cha năm xưa. Và hiện nay, cả về sau nữa. Lớp con cháu của cha mẹ chúng tôi, vẫn xin nhiều lần, nhiều lần nữa. Kính cẩn nghiêng mình lạy tạ ơn hương hồn các chú, các bác!


Có một vị “khuyết danh” nào đó, đã nói... Ý nghĩa câu nói, không thể đúng hơn, về những người bạn của mỗi người, trong cuộc đời. Đó là : “Không phải quanh bàn ăn, mà chính nơi lao tù, người ta mới biết được một người bạn, có phải là bạn hay không.”Cầm tinh con trâu, tuổi giáp sửu, có vẻ như số phận không hề nuông chiều, ưu ái cha tôi? Song, bù lại, cha tôi đã có được những người bạn chân chính, giầu lòng nhân ái, ở chốn lao tù, lúc ấy. Tình bạn, tình thương yêu đồng chí, đồng bào của họ nảy sinh trong gian khó, hiểm nghèo, giữa sự sống và cái chết rất mỏng manh.


Các bác Nguyễn Bình, Phạm Hữu Phủng quyết định thành lập một đoàn cứu trợ. Đoàn phân công, người đi trước chặt cây, phát bụi rậm, mở đường. Những người đi sau, đeo trên lưng, trên vai những chiếc ba lô, túi xách... Bên trong các túi xách, ba lô đựng những thứ cần thiết. Bông băng, thuốc, nước uống, sữa, chăn, dây thừng, đèn pin, đuốc... Đoàn người cứu trợ đi theo đường xuyên núi. Khi đoàn lên đến đỉnh núi thì trời đã tối mịt. May mắn, đoàn đến nơi tương đối an toàn. Chỉ có bác Nguyễn Văn Tiếp, lúc đi, bước trên một thân cây gỗ, nằm ngả dọc đường, bước hụt bị trẹo chân.


Cha tôi khi ấy... Cha lại ngất đi, sau cú máu từ đầu tóe ra thành tia lớn, giống như vòi phun nước vậy! Lúc cha tỉnh lại, trời chưa tối hẳn. Chắc đã sáu giờ chiều, cha đoán thế. Cha tỉnh lại. Vậy là, một lần nữa, sự sống lại quay trở lại với cha. Những giây phút đầu tiên, khi trở lại với cuộc sống, cha không hiểu gì cả. Rồi, loáng thoáng, rời rạc những ký ức trở về trong đầu... Buổi sáng... Cùng mấy anh em “đi du lịch vòng quanh thế giới”. Rồi trượt chân... Ngã...Không biết gì nữa. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu: << Như vậy, mình đã sang thế giới bên kia khoảng sáu tiếng đồng hồ>>


Đầu óc đang còn lơ mơ. Động tác đầu tiên cha làm, sau khi có thể nói, “chết đi sống lại”.Là đưa tay lên dụi mắt. Cảm giác, lông mày dính bết máu. Hình như, bộ quần áo tù màu xanh cũng loang lổ máu, dính khắp người. Toàn thân nhức nhối, như vừa bị một trận đòn nhừ tử. Cha muốn ngồi dậy, đứng dậy. Nhưng, chân bên trái sưng to “như cái lọ”, không thể cử động được. Cha khát nước... Cổ họng khô khốc. Làm sao có được nước uống bây giờ? Đêm nay, nếu không ai đến cứu, chắc chết vì khát mất thôi! Mệt, rất mệt!... Mơ mơ, màng màng...Cha không thể suy nghĩ gì được nhiều. Và cha cũng không thể nhận biết hết sự khủng khiếp... cái tình trạng của cha, lúc này.


Cái cảm giác, người cứ bồng bềnh, rung rinh. Nơi nằm sao cứ luôn luôn chuyển động. Nằm không yên như nằm trên giường hay trên mặt đất? Cha đưa tay sờ nắn xung quanh. << Thì ra, “cái giường”, mình đang nằm toàn là dây dợ chằng chịt >> - Cha nghĩ. “Giường” được treo lơ lửng ở đâu đó, lưng chừng trời, cách xa mặt đất, thì phải?Cha cảm thấy, dưới lưng, nơi mình nằm là biển. Có tiếng sóng vỗ vào bờ, hốc đá kêu oàm oạp. Nơi này, sau được xác định, là cửa một hang chim yến.


Bỗng, cha giật thót người. Có nhiều tiếng kêu “quà quà” rất to, của cả một đàn, những con chim cắc ca. Ở Côn Đảo có loài chim cắc ca, giống như loài quạ ở đất liền. Chim cắc ca thường đi kiếm ăn cả đàn rất đông. Giống như quạ. Chúng đánh hơi, thấy nơi nào có mùi máu, hôi thối là chúng tìm đến rỉa rói xác chết. Trên các lùm cây, xung quanh nơi cha tôi nằm, cắc ca đậu kín đen. Chúng bay loạn xạ, phát ra những tiếng kêu “quà quà”, khuấy động cả khu rừng thanh vắng. Nghe những âm thanh đó, thấy sởn gai ốc. Cha tôi hoảng sợ thực sự. Cha cố động đậy tay chân, để biểu hiện, ta còn sống đây...Dù cho, mỗi cử động có đau đớn thấu xương, vẫn phải làm. Vì sự sống còn, bản năng tự vệ của con người vượt lên trên tất cả. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi. Cha cho là, nếu cái bọn chim cắc ca quái ác kia, có sà xuống xâu xé... Thân mình lúc này, cũng chẳng có sức đâu, mà chống đỡ.


Rồi, một lần nữa, cha lại thoát... chết! Cứ như có “ai đó” đỡ cho cha, thoát khỏi vòng hiểm nguy, chỉ trong gang tấc. Trời tối sập xuống. Bầy cắc ca bay đi. Cha thở ra nhẹ người.Thoát nạn! Thật kinh khủng!...


Loài chim cắc ca. Trước kia, người ta chỉ cho là một loài chim ghê sợ, đáng ghét. Nhưng, ngày nay, với cái nhìn mới, thân thiện hơn. Người ta thấy rằng, trên thực tế, chim cắc ca và loài quạ lại có công. Chúng ăn các xác động vật chết. Chúng dọn sạch những thứ gây ô nhiễm môi trường sống của con người.


Cha tôi nằm, đang thiêm thiếp, mơ màng. Bỗng!... Cha nghe có tiếng “hú” từ trên đỉnh núi dội xuống. Cha bửng tỉnh... Cha nhận biết ngay rằng: <<Đã có anh em đến cứu.>> Dưới vực sâu, cha dồn hết sinh lực còn có vào tiếng: Hú...ú...ú..., đáp lại. Cha nghe thấy, một tràng vỗ tay vang lên. Nhiều tiếng reo, tiếng nói lao xao: << Còn sống!Anh em ơi, còn sống>>.


Trời đất tối đen. Trong khu rừng thâm sơn cùng cốc, đêm tối. Trên một sườn núi đá dốc cheo leo, hiểm trở. Trước cửa một cái hang chim yến, vách đá dựng đứng, phía dưới là biển. Chỗ người bị nạn nằm là một đống dây leo, bùng nhùng, treo lơ lửng... Công việc cứu trợ mau chóng được triển khai.


Các bác nói, trước hết, phải đốt một đống lửa thật to. Mọi công việc diễn ra chỉ với ánh đuốc, đèn pin và đống lửa trại. Cái khó khăn lớn nhất là làm thế nào tiếp cận, đến được chỗ cha tôi nằm. Các bác suy nghĩ, nghiên cứu, bàn tính... Một phương án tối ưu, nhưng cũng chứa nhiều rủi ro, mạo hiểm. Không có cách nào tốt hơn! Thôi thì, cầu mong chỉ có những điều may mắn, đến với người gặp nạn và các ân nhân cứu người.


Sau khi đã nghiên cứu kỹ, các bác luồn vắt dây thừng chắc, cột vào hai chạc cây. Hai bác Phạm Hữu Phủng và bác Nguyễn Bình đánh đu người xuống chỗ cha tôi nằm. Khi đến được bên cha tôi, các bác cho cha tôi uống nước. Sau đó, các bác bế đặt cha vào chiếc chăn và cuộn lại. Hai đầu chăn được buộc túm chặt, ròng dây thừng, rồi kéo lên theo kiểu cần trục. Hai bác làm công việc rất kỹ lưỡng, gọn gàng và nhanh chóng. Không biết, lúc cha “bay” xuống núi, nó đáng sợ thế nào? Không ai biết. Còn bây giờ, mọi người nhìn thấy... Cái bọc người lơ lửng ở trên không trung, lưng chừng núi, rừng rậm. Dưới là vực sâu, biển nước... Mọi người nín thở dõi theo. Sau này, cha tôi nói, lúc ấy, không dám nghĩ gì sâu xa. Đành phó mặc cho số phận. Đưa được cha tôi lên đến nơi an toàn. Hai bác Bình và bác Phủng mới đu lên sau.


Các bác bàn tính các bước tiếp theo. Không thể đưa cha về trại ngay trong đêm. Sẽ rất nguy hiểm. Đường dốc, đá cheo leo. Rừng cây rậm rịt. Tối âm u. Để bảo đảm an toàn, các chú, các bác quyết định để cha nằm lại trên triền núi cao.Một số đông các bác, các chú quay về trại. Chỉ có số ít ở lại với cha. Bên đống lửa lớn, các bác rửa sơ qua vết thương, băng bó lại. Các bác cho cha uống sữa, rồi quấn chăn ấm cho cha nằm. Đêm đó, các bác không ngủ, ngồi đốt lửa, nói chuyện cho đến sáng.


Ôi, viết đến đây... Hai mắt tôi cay cay, những giọt nước mắt cứ trào ra. Thương cha và cảm phục sự thông minh, tài trí, tấm lòng cao cả của các bác, bạn của cha. Đã sống quá nửa đời người. Vậy mà, tôi không biết rõ những biến cố tày trời đã xảy ra với cha. Bao nỗi xót xa đang xâm chiếm lòng tôi.Trong căn phòng “Thư viện gia đình”, tôi ngước nhìn lên bức tượng cha, bức ảnh mẹ trên bàn thờ. Tôi lầm rầm trong miệng, xin cha mẹ tha tội...


Lại không chỉ một lần, mà nhiều, nhiều lần nữa...Tôi lại xin nói lời BIẾT ƠN đến các chú, các bác, bạn của cha. Đại văn hào nước Nga Xô Viết Maxim Gorki đã nói: “Người bạn tốt nhất bao giờ cũng là người đến với ta trong những giờ phút khó khăn, cay đắng nhất của cuộc đời.”Thật may mắn, hạnh phúc! Cha không chỉ có một người, mà nhiều người bạn tốt đúng với ý nghĩa lớn lao của từ đó.


5.


Sáng hôm sau... Một đoàn rất đông, các chú, các bác, bạn cha, từ trại tù lại lên núi. Mọi người đều rất vui mừng. Vì cha không những được cứu sống, mà sức khỏe đã khá hơn. Các chú, các bác thay nhau cõng cha tôi, vượt núi rừng về trại.


Cha tôi vào nằm tại nhà thuốc của đảo Hòn Cau. Bác Đàm, phụ trách nhà thuốc, tắm, rửa vết thương cho cha. Chiếc áo quần xanh, cha mặc, dính bết máu, bám chặt vào da thịt; nhiều chỗ phải lấy kéo cắt từng mảng. Các thầy thuốc xem xét các vết thương người bị nạn rất kỹ, cẩn trọng. Chân trái cha sưng to, rất đau đớn khi cử động, nói gì đến đi lại được. Cha bị trật khớp cổ chân, đã quá thời hạn có thể kéo khớp trở về chỗ cũ của nó. Sau này, chân trái của cha bị tật, mắt cá chân chệch hẳn ra phía ngoài. Vì vậy, cha đi lại, dáng người lệch về bên trái. Nặng hơn cả là hai vết thương trên đầu cha. Dưới lớp tóc dày, không dài lắm, hai lỗ thủng khá sâu ở đầu. Mọi người nhìn thấy đều rùng mình, khiếp sợ. Người nọ rỉ tai người kia, thầm thì với nhau: << Thôi, sống được là may mắn lắm rồi! Chỉ không biết, các vết thương có ảnh hưởng xấu nhiều đến bộ não của anh ấy (tức cha tôi) không? Sẽ rất tiếc, nếu hai vết thương kia làm hỏng cái đầu thông minh của anh ấy!...>> Ý các bác muốn nói, sau sự cố này, cha còn đủ minh mẫn, sáng suốt như cũ nữa không. Những vết sây sát, bầm tím..., chả phải nói, giăng khắp người cha.


Nằm ở nhà thuốc, cha được đắp thuốc lá. Ở Hòn Cau, người ta gọi đắp thuốc lá là thuốc dấu. Cách gọi này, xuất xứ từ một số tù nhân quê ở Quảng Tây Trung Quốc, biết về các loại lá thuốc rất giỏi. Những người tù Trung Quốc này, bị Pháp bắt ở biên giới và cũng bị đày ra đảo như những người Việt Nam.


Sau một tuần lễ, kể từ khi gặp nạn, sức khỏe, các vết thương của cha đang dần hồi phục. Thì... Một hôm, cha tôi đang ngồi... Bỗng, máu từ trên đầu, theo hai lỗ thủng của vết thương tuôn ra xối xả. Mọi người hoảng sợ... Bác Đàm chạy đến bên cha, luống cuống, không biêt làm cách nào, mà cầm máu lại được. Cha thì nghĩ, phen này chắc chết thật rồi... Máu cứ chảy ra ùn ùn thế này, sao sống nổi? Đúng lúc ấy, một ông đã lớn tuổi, làm việc ở bếp ăn. Ông tên là Ngọc. Ông liền đến bên cha, nói: <>Rồi ông cụ bếp Ngọc kể chuyện những tháng ngày đánh Tây, dưới sự lãnh đạo của cụ Đề Thám. Ông đã chứng kiến nhiều nghĩa quân Yên Thế sau khi bị thương, máu tụ thoát ra ngoài được thì tốt. Đúng như lời ông Ngọc nói, máu chảy ra ba bốn lần nữa thì ngừng. Bác Đàm băng bó vết thương lại cho cha.


Sau một tháng, các vết thương kín miệng dần, sức khỏe bình phục. Cha về trại nằm. Nhưng, có lẽ, do mất máu nhiều, cha bị mất ngủ kéo dài. Nặng hơn, cha bị tổn thương thần kinh, ảo giác ám ảnh. Nhìn lên núi, cứ có cảm giác, núi sắp đè lên mình. Trong hoàn cảnh tù đày, không có cách nào khác, cha phải tự chữa bệnh cho mình. Cha tìm sách đọc; vận dụng thể dục, thể thao; ngồi thiền, tập trung tư tưởng...Rất may, cái bệnh ảo giác, sau sáu tháng kiên trì luyện tập, không còn nữa.


Để chứng minh với bạn đọc rằng, đầu óc của cha chưa phải đã “hết xài!” Cha cho đăng, không phải in ấn, mà viết tay, bài thơ trên tờ Hòn cau tuần báo:


Non nước trông vời đã bấy lâu,


Lặn nhào một chuyến dám kêu đau.


Mấy lần hang thẳm chim chào khách,


Trăm thước non cao đá thử đầu.


Đổ máu vẫn chưa nhòe vết cũ.


Nằm gai còn những tính mưu sâu.


Vang trời “hú” với ai đồng chí


Nhiệm vụ chưa rồi dễ chết đâu!





1 nhận xét:

  1. Chị Hồng vào mục "blog tôi theo dõi ở phía bên trái bài viết ấy, tìm blog Internat, blog LeTIENHOAN xem ảnh chúng mình nhé. Sắp tới sẽ đưa tiếp nữa.
    [img]https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash4/q71/s320x320/1003159_594696523887104_566220461_n.jpg[/img]

    Trả lờiXóa