Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

HỒI KÝ (chương 15 & 16)

05:08 - 16/11/2009
Chương 15. Ngòi bút sắt.
1.
Tòa nhà nằm ở góc đường Catinat có cái dáng vẻ bên ngoài vừa nặng nề, vừa u uất. Người ra vào cửa hàng ngày nơi đây, lúc nào cũng đông. Người ta đến chốn này chẳng phải để chơi bời, cũng chẳng vui thú gì. Cực chẳng đã, việc phải đến mới đến.Có những người không có việc gì, vẫn phải có mặt, để trình diện…Thiếu gì kẻ còn bị còng tay, xích chân đưa đến.Nhiều người bị bắt, bị triệu hồi đến đây, bị đẩy lên những chiếc xe cam nhông, xe nhà binh bịt bùng kín mít…

Đúng thế… Đây, chính là Sở mật thám Pháp ở Sài Gòn. Tòa nhà xây dựng theo kiến trúc Pháp. Các khối sắt thép,xi măng của tòa nhà liên kết với nhau, trưng ra một sự chắc chắn, bê thế.Tường nhà màu xám. Trong cái ánh sáng mờ đục của một buổi chiều sắp có cơn mưa dông như lúc này, tòa nhà nổi lên như một khối đen khổng lồ.Từ cái khối đen khổng lồ đó, như hiện hình bóng dáng những chiếc gông, những chiếc cùm và hình bóng đøoàn người đang khó nhọc lê bước trên đường…Chủ nhân của tòa nhà là những tên thực dân Pháp và bọn tay sai người Việt.

Bên trong ngôi nhà, bầu không khí càng u ám, rờn rợn người hơn. Những người yếu bóng vía,như người ta thường nói, rất dễ mất tinh thần trong khung cảnh này. Ở từng phòng ốc của ngôi nhà, vô hình cũng như hữu hình,chất chứa biết bao tội ác, âm mưu thâm độc đã và đang được thực thi.Một bầu không khí nặng nề,ngột ngạt bao chùm lên tất cả.

Nhiều người còn nói, tòa nhà ở đường Catinat này không phải là ngôi nhà bình thường… Ở chỗ, từ cái khối đen của ngôi nhà, mọc ra rất nhiều những chiếc "chân tay giả",là những tên mâït thám người thật.Chúng bủa đi khắp chốn,mọi nơi.Người dân, thậm chí, cả trẻ con, đều tránh không gặp mặt những kẻ mặc toàn đồ đen. Vì, sau cặp kính cũng đen ngòm là những con mắt cú vọ, đang nhìn xoi mói. Chúng là những tên mật thám,tay sai người Việt của Pháp. Chúng chuyên làm cái nghề dò la, rình mò, chỉ điểm… Để chủ của chúng bắt bớ, giam cầm, khảo tra các chiến sỹ Cách mạng và những người yêu nước.


2.


Có giấy gọi của viên chánh mật thám,anh Liêm mới có mặt ở đây hôm nay.


- << Dĩ nhiên rồi, đã phải đến đây, chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành.- Anh Liêm vừa đi, vừa suy nghĩ. - Có thể, chúng đã đoán biết Ngòi bút sắt là một tờ báo, chứ không phải là quyển sách như nó được ngụy trang. Dù thế nào, cũng phải đấu tranh bảo vệ cho sự sống còn của tờ báo Ngòi bút sắt.>>.


Anh Liêm leo lên cái cầu thang sắt xoáy trôn ốc, lên tầng gác thượng. Những người, dù lòng muốn hay không muốn, đặc biệt là tù chính trị phạm, không ít người biết đến cái cầu thang hình ốc này.Có lẽ, cái dấu tích làm cho người ta nhắc đến nó là gông cùm và xiềng xích, đọa đầy và chết chóc sau những lần có mặt nơi đây.


Cửa mở.Anh Liêm bước vào một phòng rộng.Một người đàn ông Pháp, béo lùn ngồi sau bàn làm việc.Viên chánh mật thám Pháp Arnoux ngẩng lên nhìn người mới vào. Anh Liêm hơi sững người… trong giây lát.Nhìn gần, bộ mặt phì nộn của viên quan mật thám mới gớm ghiếc làm sao! Nhìn anh Liêm,hắn làm ra bộ thân thiện, tủm tỉm cười, chào:


- A…, Chàng thanh niên! Mời ngồi!


Nói rồi, y đưa hai con mắt húp híp nhìn anh Liêm từ đầu đến chân. Hắn cất giọng e é, chua chua nói:


- Anh là người ngoài Bắc, phải không? Anh ở tỉnh nào vậy?


- Tôi ở Nam Định. - Anh Liêm miễn cưỡng trả lời. Anh Liêm ngạc nhiên, vì viên người Pháp nói tiếng Việt rất sõi sàng và lại nói giọng Bắc.


- Thế à ? Tôi cũng đã từng sống ở Bắc Bộ khá lâu đấy! Tôi rất có cảm tình với người miền Bắc. Nom anh trẻ hơn là tôi tưởng. Năm nay, anh bao nhiêu tuổi rồi?


- Tôi 24 tuổi.- Anh Liêm trả lời nhát gừng các câu hỏi của viên chánh mật thám, cho qua chuyện.Khi chán ngán điều gì, người ta thường tỏ ra như vậy. Viên chánh mật thám vờ như không biết, cũng không thèm để ý đến thái độ ngán ngẩm của anh Liêm.Hắn vẫn tỏ ra nhã nhặn.Anh Liêm nghĩ, không biết đằng sau câu chuyện tẻ nhạt, giả tạo này, cái trò đích thực là gì đây?


Im lặng một lúc, viên chánh mật thám Sài Gòn Arnoux mới đi vào đề:


- Tôi đã nhận được bức thư của anh. Lời lẽ trong thư, anh viết không được lịch thiệp cho lắm! Anh tưởng, đối với người Tây không cần văn minh, lịch sự ư? Tôi lại là người nhiều tuổi hơn anh, còn anh thì còn trẻ, mà nói năng với tôi không lễ độ, lịch sự chút nào.Tôi biết, người miền Bắc cũng rất lịch thiệp lắm chứ! Tôi quý trọng ho,ï vì những phẩm chất đó. Còn anh, sao vậy? Anh muốn gì? Anh định dọa tôi chăng? Tôi nói cho anh biết, tôi chẳng sợ ai,tôi cũng không biết sợ bất cứ cái gì. Tôi đã từng…


- Nhưng, thưa ông…! - Anh Liêm chen vào, định cắt ngang câu chuyện dông dài, vô vị của hắn.Nhưng viên chánh mật thám cao giọng, thô bạo át lời của anh Liêm, tiếp tục kể "chiến công" của mình.


- Anh hãy nghe tôi nói hết đã.Hồi tôi còn làm việc ở đại lý Hải Ninh… Tôi, chính tôi, một mình đến dinh trại giặc Khách, buộc chúng phải trả lại bà đầm,mà chúng vừa bắt cóc…


Biết,chẳng thể làm gì hơn.Anh Liêm ngồi ngả người vào lưng ghế,chùng người xuống, thờ ơ, để mặc Arnoux thao thao…Anh Liêm nghĩ, hắn kể những chuyện dông dài này để ra oai, uy hiếp mình? Để xem sao…Cuối cùng, viên chánh mật thám cũng ngừng nói…nói.


Anh Liêm:


- Thưa ngài! Hôm nay, tôi được ngài gọi đến đây,ngâi có điêu gì cần nói?


Như trong thư, tôi đã trình bày, điều tôi muốn biết…Có phải các ngài đã ra lệnh cấm các nhà in, in tập Ngòi bút sắt của chúng tôi? Tập Ngòi bút sắt cũng như bao quyển sách khác được in ấn, xuất bản theo đúng luật pháp ban hành.Sau khi sách in ra rồi,chúng tôi đưa nộp bản in lưu chiếu đều đặn, nghiêm chỉnh, hai bốn giờ trước khi phát hành.Chúng tôi đã thực hiện đúng quy định.


Viên chánh mật thám cáo già ngồi nghe, vẫn giữ vẻ mặt cười cợt ban đầu.Khi anh Liêm dứt lời, hắn cười khanh khách, vừa nháy nháy đôi mắt híp, vừa nói:


- Phải… - Giọng hắn kéo dài ra, môi dưới trề xuống.-Tôi biết thừa cái quyển sách Ngòi bút sắt của các anh rồi.Nó là một tờ báo trá hình, không hơn không kém. Một quyển sách! Hừ…!


Anh Liêm nghe thấy tiếng hừ… hực gì đó trong cổ họng của Arnoux. Cái đầu hắn lúc lắc.Giờ đây, trên bộ mặt nung núc thịt của viên chánh mật thám, chiếc mặt nạ giả nhân, giả nghĩa đã tuột khỏi.Một bộ mặt thật hiện nguyên hình.Mặt hắn đanh lại, các đường gân, thớ thịt như bị rút ngắn.Anh Liêm nhìn thấy mạch máu ở thái dương của hắn hằn lên rõ, ngoằn ngoèo, giật giật. Hắn mím chặt đôi môi.Hai con mắt híp trợn ngược lên, mở to ra được một chút. Tiếng nói của hắn rít lên qua kẽ hở hai hàm răng nghiến chặt.


- Hừ…! Vâng…! Sách…! Sách cơ đấy! Anh tưởng tôi không biết, không thấy cái trò phù phép của các anh, đấy phỏng? Sách gì, mà lại tuyên bố ra đều đặn, mỗi tuần một kỳ? Sách gì, mà ngoài bìa lại có đề giá mua, giá bán hàng tháng, hàng năm? Có chủ nhiệm, chủ bút cẩn thận? Sách gì, mà bên trong có đủ các bài, đủ mục…


-Tôi biết, và phải nói là các anh đã khá thông minh và khôn ngoan.Các anh biết lợi dụng khe hở trong kiểm duyệt báo chí và in ấn, xuất bản sách, để mà cho ra đời tờ báo Ngòi bút sắt.


Viên quan mật thám tuôn ra một thôi dài, không nghỉ.Nghe hắn hằn học nói, anh Liêm hiểu,viên chánh mật thám Arnoux đã biết mọi chuyện.


Luật lệ kiểm duyệt báo chí của chính quyền thực dân cai trị vô cùng ngặt nghèo.Mỗi tờ báo khi lên khung in, đều bị kiểm duyệt trực tiếp từng bài.Các bài báo có nội dung tiến bộ, lên tiếng đấu tranh chống nhà nước đô hộ.Chống áp bức, bóc lột;chống đàn áp,bắt bớ;chống sưu cao,thuế nặng… đều bị lọai bỏ.


Anh Liêm, dù có thay đổi bút danh, Đẩu Nam hay Côi Vị. Các bài báo anh Liêm viết, cũng không sao lên nổi trên mặt các trang báo.Vì, những cái tên ký dưới các bài báo có thể khác nhau.Nhưng…, dòng tư tưởng,lời văn - khẩu khí, như cha tôi nói, của người viết không dễ đổi thay. Những kẻ kiểm duyệt biết rõ điều đó.


Để tờ báo Ngòi bút sắt ra đời được, những người viết báo tiên tiến đã phải tìm mọi cách, để nói lên tiếng nói của mình. Trong các cách, có cả cách "báo làm giả sách" để che mắt kiểm duyệt.


Nhưng dù, tờ Ngòi bút sắt có thay đổi hình dạng. Nội dung tờ báo vẫn nói tiếng nói của người dân lao động, của tầng lớp trí thức tiến bộ, của các sỹ phu yêu nước… Các bài báo vẫn phản ánh trung thực cuộc đấu tranh quyết liệt của một trận tuyến.


Trên cái trận tuyến đó, hai bên chiến tuyến đã phân định rõ ràng. Một bên là cả một dân tộc bị mất nước, còn bên kia là những kẻ đi cướp nước và bán nước. Tiếng nói đấu tranh trên mặt trận báo chí, nơi anh Liêm cùng bao đồng sự đã và đang dấn bước vào, thật vô cùng cam go.


Anh Liêm biết. Tiếng súng, tiếng va đập của xiềng xích, gông cùm, của các công cụ tra tấn dã man của kẻ thù…, lúc nào cũng có thể đến với mình, khi bị bắt giam,bị tù đầy. Anh Liêm và các đồng sự, đồng nghiệp chỉ có cây bút trong tay làm vũ khí đấu tranh. Đội ngũ, những người cầm bút tiên tiến, đứng hẳn về phía nhân dân, quyết đấu tranh không khoan nhượng, dưới mọi hình thức, với kẻ thù.


Xuất hiện những trang báo,có chỗ bị bỏ trống. Ý của những người cầm bút Cách mạng muốn nói với nhân dân… Những chỗ trống trên trang báo là những bài báo bị cấm đăng.Kẻ thù cấm chúng ta nói lên sự thật,nói tiếng nói của chân lý.Thật bất ngờ, đây là một hình thức đấu tranh rất hữu hiệu. Bạn đọc, mỗi lúc mỗi tò mò tìm hiểu,muốn biết… Tại sao, lại có "hiện tượng" lạ này? Nội dung các bài báo nói gì? Tại sao lại không được đăng, nhỉ?…


Những "chỗ trống"trên mặt các trang báo… Đánh thức sự lơ mơ trong tư tưởng,sự im lặng trong tiếng nói của không ít người.Những người có thái độ bàng quan với thời cuộc, thờ ơ với những gì đã và đang sôi sục xảy ra xung quanh họ.Lớp người trung gian này, chẳng nghiêng theo bên nào, lại có số lượng đông đảo. Họ sống theo kiểu,"việc chẳng liên quan gì đến ta, cứ để mặc…", chế ngự trong suy nghĩ của họ từ xưa rồi.


Nay, có cái gì đấy đang thức dậy trong lòng số đông lớp ngưới trung gian, lừng khừng nọ.Họ thay đổi. Họ nhìn nhận sự đời bằng con mắt khác xưa. Thay đổi trong ý thức, dẫn họ đến sự phân biệt chính tà, phải trái, đúng sai.


Họ nhìn rõ hơn, ai là những người đã và đang đấu tranh cho quyền lợi của đại đa số nhân dân lao động,của cả chính họ?…Trong cái xã hội đương thời,đầy rẫy những rối ren, mâu thuẫn… Các bài báo bị cấm đăng trên các trang báo chỉ đường mách lối cho họ, hướng đi nào đúng, đâu là kẻ thù của dân tộc…


Những tờ báo nói tiếng nói của nhân dân ở Sài Gòn, vào thời kỳ những năm hai mươi, thế kỷ 20, thời gian tồn tại rất khác nhau.Tiếng nói đấu tranh với chính quyền thực dân càng quyết liệt,càng bị kiểm duyệt gắt gao. Để rồi, cuối cùng, những tờ báo tiến bộ mau chóng bị đóng cửa, bị tịch thu. Còn những người cầm bút chân chính, dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh, có thể bị bắt, bị tống giam vào tù, bị thất nghiệp…


Còn những tờ báo " theo đóm ăn tàn", làm tay sai cho kẻ cầm quyền, thực dân thì "sống".Ở mấy tờ báo lá cải đó, kiếm tiền chẳng khó khăn gì.Anh Liêm và các đồng sự biết điều đó.


Lương tâm và trách nhiệm trước nhân dân không cho phép những người Cách mạng bẻ cong ngòi bút của mình. Họ không hợp tác với kẻ thù. Họ viết những điều dễ hiểu, để dân đọc, dân hiểu, dân tin, dân đi theo Cách mạng. Khi nhân dân đã nhận thức đúng,tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, sẽ là một lực lượng vô song.Anh Liêm nói với mọi người rằng…Tờ báo này bị đóng cửa, sẽ có nhiều, nhiều tờ báo chân chính khác ra đời.Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục…


3.


Cái khó khăn trước nhất, gia đình anh Liêm càng thêm chật vật kiếm tiền để duy trì cuộc sống, vốn đã không dễ dàng gì. Cuộc sống nơi đô thị Sài Gòn này, có biết bao khoản chi tiêu tối thiểu, cần thiết cho mỗi con người. Chị Tâm là chủ gia đình có năm sáu người, nên phải tính toán chặt chẽ trong việc chi tiêu hàng ngày.


Nhưng, những khó khăn về kinh tế không phải là cái khổ lớn nhất.Cái tồi tệ hơn cả là gia đình anh Liêm, chị Tâm luôn bị khủng bố về tinh thần. Quanh nhà,nơi gia đình trú ngụ, luôn có những tên mật thám lảng vảng, rình mò, theo dõi, ngày cũng như đêm. Với bọn chó săn này, gia đình anh Liêm không có được sự yên ổn để sống, làm ăn.


Không sống nổi ở đất Sài Gòn, vì luôn bị quấy nhiễu, bị đe dọa…Anh Liêm đưa gia đình về ở nhờ nhà người bạn, tại một làng quê của tỉnh Bến Tre. Làng có cái tên là Hương Điểm.


Bến Tre là xứ sở của dừa.Dừa bạt ngàn. Chị Tâm thích thú ngắm phong cảnh khu vườn dừa rộng mênh mông, có màu xanh bát ngát.Trong câu chuyện kể… Ông chủ nhà vui vẻ, say sưa nói rất nhiều về công dụng, lợi ích của cây quả dừa.Là người miền Bắc, nơi ít có thứ trái cây đặc sản dừa. Chị Tâm hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nghe kể những hữu ích, cái ngon, nước ngọt của dừa.


Dừa cho trái, nước uống mát ngọt lịm, vệ sinh, lại bổ dưỡng. Cùi dừa ăn tươi sống hay làm thực phẩm, kho với mỡ, với thịt lợn ăn cũng rất ngon, béo ngậy. Cùi quả dừa xiêm mềm mỏng, thường là ăn uống cùng nước dừa, là một thứ giải khát tuyệt vời! Thân cây dừa cao vút, đeo nặng những buồng dừa trĩu quả. Cành láù dừa tươi trên cây, tỏa bóng mát. Cành lá dừa khô, sọ dừa khô làm củi đun.Sọ dừa khô tròn trịa, chắc chắn, người ta cưa miệng, tra cán, dùng làm gáo múc nước hay các vật dụng nhỏ để đựng khác… Ngày nay, từ cây quả dừa, vỏ dừa người ta còn làm ra nhiều sản phẩm tiện lợi, tinh tế khác nữa.


Ngôi nhà của ông Sáu Tốt, ông bạn của gia đình anh Liêm, nằm giữa khu vườn dừa rất rộng. Người dân ở đây, họ sống hiền hòa,nhân hậu; gắn bó với đất đai, vườn tược.


Gia đình anh Liêm về ở đây, được bà con đón nhận thân tình và cởi mở. Các con anh Liêm, chị Tâm, được dịp chạy nhảy tung tăng trong cái không gian vừa thoáng đãng, vừa mát mẻ.


Nhưng rồi, chỉ ít ngày sau. Ông chủ nhà, người bạn rất thân thiết của anh Liêm… Ông Sáu Tốt nhận được lời cảnh cáo của chính quyền sở tại, chứa chấp người mà "chính phủ" không ưa.


Gia đình anh Liêm bùi ngùi chia tay với gia đình người bạn, trở về Sài Gòn.Những lúc gặp gian khó như thế này, những người hoạt đôïng Cách mạng như anh Liêm càng hiểu rõ… Sự nghiệp Cách mạng sẽ thành công, nếu có nhiều những người bạn, người dân tốt bụng giúp đỡ như những người dân ở làng Hương Điểm này. Có thể, họ chưa hiểu nhiều về Cách mạng. Họ đã không ngại khó khăn, không sợ những lời đe dọa của thế lực cầm quyền. Gia đình ông Sáu cứ một mực giữ anh Liêm và gia đình ở lại…





Chương 16 : Bến tàu Lang Tó Sài Gòn.




1.




Bến tàu Lang Tó hay Lăng Tô, hay Láng Thọ Sài Gòn xưa… Nay là vùng đất nào nằm trong lòng thành phố rộng lớn và phát triển hiện đại như Sài Gòn -Thành phố Hồ Chí Minh? Điều phân vân, thắc mắc, muốn làm sáng tỏ, cứ đeo bám tôi mãi, không thôi.


Đã bao ngày trôi đi.Tôi lục lọi, tìm đọc trong các trang sách lịch sử, địa lý Sài Gòn xưa và nay. Tôi ngồi cả buổi trước bàn máy tính,"lang thang" vào mạng internet. Tôi đọc tất cả những gì, có nhắc đến cái địa danh : Bến tàu Lang Tó.Tôi tham khảo ý kiến của cả các nhà sử học… Nhưng, cho đến lúc này đây, tôi vẫn chưa có được sự hiểu biết rõ về địa danh này.


Bến tàu Lang Tó, một cái tên nghe lạ tai.Hình như, Lang Tó không phải chữ gốc tiếng Việt?…Cha tôi đã ghi dấu bến tàu Lang Tó trong quyển Hồi Ký. Lúc này, tôi khát khao muốn được hỏi trục tiếp cha hoặc mẹ những điều thắc mắc.Tôi nào còn cơ hội? Tôi cũng không có bất cứ một hy vọng nào, dù rất mỏng manh.


Làm sao, tôi có thể quay trở lại cái thời điểm những năm hai chín, ba mươi, thế kỷ 20 và cả sau này nữa?…Khi cha và mẹ tôi là những nhân chứng bắt buộc trên cái bến tàu Lang Tó đó?


Cách nay, đã gần tám chục năm trời.Một sự kiện không thể nào quên đã xảy ra…


2.


Bến tàu Lang Tó Sài Gòn. Tại đây, vào một ngày của năm một nghìn chín trăm hai chín.Một chiếc xe chuyên dụng nhà binh, chở chật cứng người.Xe ra khỏi cổng Khám Lớn Sài Gòn, nhằm hướng bến tàu Lang Tó chạy tới.


"Hành khách" trên chiếc xe chuyên dụng nhà binh, bịt bùng kín mít đó là những người tù chính trị.Sau phiên tòa xét xử của Hội đồng Đề hình lần thứ nhất. Cha tôi và các chính trị phạm khác bị kết án tù, vì tội chống lại nhà nước đô hộ thực dân. Chính quyền thực dân Pháp bèn vội vã, gần như lén lút, đưa các tù chính trị có án, đày ra Côn Đảo.


Chỉ nghe phong phanh… Những người cùng cảnh ngộ như mẹ tôi. Người nọ rỉ tai người kia :<< Bọn chúng chuyển tù đi đày...>>. Từ hai ba giờ sáng, mẹ tôi và chị Ái đã đi xe kéo đến bến tàu Lang Tó.Hai thím cháu mang theo một giỏ xách nặng thức ăn, đồ uống và một số đồ dùng khác…Mong sao, cha dùng được các thứ này dọc đường đi đầy gian nan, khổ cực.


Đất trời xung quanh bến tàu còn tối đen.Mấy cái bóng đèn điện trên cao chỉ giúp người ta, thấy lờ mờ đường mà đi.Vào cái giờ quá nửa đêm, gà gáy canh hai, canh ba này. Mọi hoạt động,cảnh huyên náo vốn thường thấy trên bến tàu tạm lắng xuống.


Mới có dăm sáu người đến sớm.


Những giờ phút chờ đợi…Dù đợi chờ bất kỳ một cái gì,mong mỏi đón nhận ai đó, đều căng thẳng, đều phập phồng lo sợ.Trong lòng thì rối bời. Đầu óc thì dày đặc những ý nghĩ phỏng đoán lúc ở xa, sau về gần.


<< Khổ thân quá!...Không biết, Ba thằng Gòn có được khỏe không? Có bị chúng đánh đập nhiều không? Ăn uống kham khổ, ông ấy có ốm đau gì không?>> - Mẹ tôi đứng ngồi không yên một chỗ lâu. Thời gian như vẫn dừng lại tại chỗ.


<< Lần trước, vào thăm nuôi ở Khám lớn Sài Gòn, thấy Ba em gày đi nhiều.Thật xót xa!…Nhưng,biết làm gì được, khi quyền hành nằm trong tay bọn cai ngục, bọn lính sen đầm>> Hai tiếng thân thương: Ba em,Má em là tiếng gọi, cha mẹ chúng tôi dành để gọi nhau. Các anh chị lớn của tôi. Anh Trần Huy Diễm, còn được gọi là Gòn và chị Trần thị Vân, được sinh ra ở Sài Gòn. Nên trong gia đình,chúng tôi kêu (gọi) cha mẹ theo tiếng miền Nam là Ba Má.




Trên bến tàu,mỗi lúc mỗi đông đúc người.Mẹ tôi thấy đa phần là phụ nữ.Tuy mới quen biết nhau tại đây.Những câu chuyện trao đổi qua lại… Những người phụ nữ cùng cảnh ngộ,có chồng con, anh em bị tù đày.Như đã rất thân thiết.Họ muốn được dốc bầu tâm sự. Họ muốn chia sẻ cùng bạn bè hoàn cảnh gia đình, con cái.Câu chuyện có lúc rời rạc, ngắt quãng, bởi như vừa chạm phải nỗi đau. Mẹ tôi càng thấu hiểu hơn, nhiều cảnh ngộ thật éo le.


Một bà mẹ đã lớn tuổi, lưng còng, đi lại chậm chạp. Bà nói, bà phải đến đây hôm nay để nhìn thấy con trai bà, lần cuối. Chắc gì bà còn sống, lúc con trai mãn hạn trở về. Có một cô còn rất trẻ,có lẽ, đồng trang lứa với mẹ tôi.Nếu hỏi tuổi, chắc là họ chưa thể tới ba mươi.


Người phụ nữ trẻ tên là Lan, nói :


- Em và nhà em lấy nhau mới được gần hai năm nay.Chẳng bao lâu, sau ngày cưới,anh ấy bị bắt và bây giờ thì bị đưa đi đày.


- Thế, chúng kết tội anh ấy, vì tội gì? - Mẹ tôi hỏi


- Em cũng không rõ lắm.- Giọng cô Lan hạ thấp hẳn xuống, chỉ đủ vừa nghe giữa hai người.- Nghe nói, nhà em hoạt động trong một tổ chức, gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mệnh Đồng chí Hội, gì đó. Điều này, em chỉ nói riêng với chị. Em tin, chị là người tốt. Em có hỏi, anh ấy sợ em lo lắng, nên không nói gì cả.


- Thế, anh chị đã có cháu nào chưa? - Mẹ tôi hỏi thăm cô Lan.


- Cám ơn chị Tâm, đã có lời hỏi thăm.Em có một cháu trai, 9 tháng tuổi. Cháu giống cha nó như đúc.Giờ đây, đối với em, cháu là tất cả, chị ạ! Cháu là nguồn động viên, là hạnh phúc, tiếp thêm nghị lực cho em… Hai mẹ con em phải sống,dù có khó khăn đến đâu, chờ đến ngày anh ấy trở về. Chồng em là người rất tốt, yêu vợ thương con lắm!…


Mẹ tôi nói :


- Chị nói phải…Hoàn cảnh của chị, của tôi, của tất cả những người như chị em mình, giống nhau. Chúng ta chẳng thể làm gì khác được trong hoàn cảnh hiện tại.Nhưng, chúng ta có thể làm tốt việc chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái nên người. Các anh ấy ở xa, chắc sẽ yên lòng.


Hai người phụ nữ cùng có chung cái cảm giác…Đã vơi đi nhiều những nỗi ưu phiền, lo lắng trong lòng.Trên gương mặt còn rất trẻ của họ, xuất hiện những tia hy vọng.


Mẹ tôi nói những điều trên với người bạn mới, cũng là để động viên bản thân mình. Mẹ tôi và cô Lan, say sưa kể chuyện về chồng, về những đứa con. Hình như, trong cái khoảnh khắc, thời gian không nhiều lắm đó. Họ lãng quên đi tình cảnh hiện tại…


Xung quanh họ.Những người đàn ông, đàn bà đã đến chật kín bến tàu. Người ngồi, người đứng.Người đứng dựa lưng vào đâu đó.Người không ngừng đi đi,lại lại. Người nói chuyện luôn miệng. Như thể,tiếng nói có thể làm dịu đi phần nào sự bồn chồn, không yên ở trong lòng.Người đăm chiêu, chẳng nói chẳng rằng. Nhiều khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn, các vết sạm da mưa nắng. Những đôi mắt trũng sâu, do nhiều đêm không ngủ…


Bóng đêm tối đang tan dần. Đã trông rõ mặt người.


Người đến bến tàu vẫn tiếp tục…Những người đến sau, dáng vẻ tất tưởi, vội vã.Họ sợ đến đã muộn. Bến tàu Lang Tó trở nên ồn ào, sống động. Nét mặt người nào cũng lộ vẻ lo âu, căng thẳng.Cũng như rất đông người nhà, người thân, bạn bè của các tù chính trị. Mẹ tôi chỉ có một khát khao cháy bỏng, một hy vọng nhỏ nhoi…Là được gặp, được nhìn thấy cha tôi lần cuối cùng, trước khi cha bị đưa đi đến phương trời nào đó.


3.


Chiếc xe nhà binh chở tù, lừ lừ lăn bánh vào bến tàu và đứng khựng lại.Đám đông người nhà chạy ào tới.Bao mong mỏi, chờ đợi.Giờ đây, không có sức mạnh nào, không có vật cản nào có thể ngăn bước của họ.Những người mẹ, người vợ, anh chị em, bạn bè các tù chính trị quyết không lùi bước.


Mặc cho bọn lính sen đầm, cảnh sát ngăn cản… Đám đông người nhà vẫn tìm đủ mọi cách để đến gần, tiếp cận người thân của mình.Họ bất chấp cả hiểm nguy, ùa tới chiếc xe chở tù to tướng. Những người tù chính trị cũng vội vã xuống xe.Cả đám đông,tù chính trị phạm và người nhà, như hòa vào thành một khối.Bọn lính, súng trong tay, ra sức xô đẩy rất đông người nhà lùi về phía sau. Nhưng rồi, bọn chúng đuổi được người này đi.Thì chỗ khác đã có nhiều người phá hàng rào cản, đến với người thân.Có người nhà nhân lúc tên lính sen đầm ngoảnh mặt đi. Đã kịp dúi vào tay, ném cho người thân một thứ gì đó như là thức ăn, đồ dùng…


Mẹ tôi, vừa chạy vừa bảo với chị Ái, bên cạnh :


- Nhanh lên! Không, chúng đưa chú đi mất bây giờ.


- Kia, chú kia kìa!… Hình như, chú đã nhìn thấy hai thím cháu mình? Chú cũng đang đi nhanh về phía ta, đấy! - Mẹ tôi, vừa chạy vừa thở hổn hển, đưa tay chỉ về phía một người đàn ông tù, có dáng dấp thân quen. Người tù cũng đang vội vã, lách đám đông đi nhanh tới.


Đúng là cha tôi rồi.Vẫn bộ quần áo tù như trước. << Nhưng, sao hôm nay...? Trông ông ấy lạ quá!...>> Mẹ tôi, vừa chạy chầm chậm, vừa nghĩ thoáng qua trong đầu.


Bỗng… Nhiều tiếng hô vang lên:


- Đả đảo chủ nghĩa đế quốc Pháp!


- Cách mạng thành công muôn năm!


Những người tù chính trị vừa dứt tiếng hô. Cả đám đông đồng thanh hô vang cùng những cánh tay giơ lên, đáp lại:


- Đả đảo!, Đả đảo!


Bọn quan quân, lính tráng bị một phen bất ngờ. Chúng hoảng sợ thực sự…


Càng đến gần, mẹ tôi càng nhìn rõ cha tôi với bộ dạng… thảm thương chưa từng có! Thân hình tiều tụy của cha,mẹ tôi nước mắt lưng tròng.


Hiểu ý của mẹ tôi, cha tôi với nét mặt hơi giãn ra một chút.Trong giọng nói pha chút hài hước, châm biếm.


Cha tôi nói :


- Má em đừng lo. Không chỉ có một mình tôi mới có cái đầu tóc "đặc biệt" này đâu. Má em, cháu Ái nhìn những anh em khác mà xem. Dưới những chiếc khăn mặt trắng phủ ở trên, là những cái đầu trọc, cả đấy!Trước khi đưa tù đi đày, bọn cai ngục ở Khám Lớn Sài Gòn, đã đem tất cả tù ra cạo trọc đầu. Nhưng, những cái đầu gọi là cạo trọc lóc… Có được cạo trọc nhẵn nhụi, đã khá! Chúng chủ tâm cạo nham nhở như thế này đây.Trông tôi có cái đầu thật là "tù", phải không?...


Mẹ tôi, mắt vẫn ngấn lệ, cả chị Ái, đều không thể cười được. Cha tôi nói câu pha trò…Chỉ mong làm dịu bớt phần nào nỗi buồn khổ trong lòng mẹ tôi.


Sau này, khi nghĩ về sự kiện ở bến tàu Lang Tó năm ấy.Tôi là đứa con hậu sinh của cha mẹ tôi,lại nghĩ…


Thật ra, kẻ thù cố ý tạo cái dáng, người không ra người, cho tù nhân…Hòng hạ thấp nhân phẩm của họ?! Nhưng, chúng ngu dốt đã không biết rằng…Giá trị đạo đức, nhân phẩm con người nằm bên trong cái đầu của họ. Chứ đâu phải ở dáng vẻ bề ngoàiï.Làm cái trò này, cùng với việc tra tấn dã man,đày đọa tù nhân… Kẻ thù chỉ càng khơi dậy lòng căm thù, ý chí quyết đấu tranh không khoan nhượng trong lòng người dân, trong lòng cả những người tù chính trị.


Sau giây phút xúc động, xót thương. Mẹ tôi lau nước mắt. Rồi, mẹ tôi cố nhét vào hai túi áo, dúi vào tay cha, những gì có thể được : thức ăn, đồ dùng cần thiết…


Mẹ tôi, vừa làm việc trên, vừa nói vội:


- Ba em, cứ yên tâm đi… Đừng lo lắng gì về gia đình cả.Em và các con vẫn bình thường. Các con, thằng Gòn, con Sán (Vân)đều khỏe, ngoan. Các con nhớ Ba lắm!…


Bọn lính đã xông tới, kéo giật những người tù ra khỏi vòng tay người thân của họ.Chúng dồn tất cả tù xuống chiếc tàu Harmant Rousseau đang chờ sẵn tại bến tàu Lang Tó.





Chị gái tôi, Trần thị Vân, còn có tên là Sán do cha tôi đặt cho. Chữ Sán theo chữ nho có ý nghĩa hay lắm, tôi không hiểu gì. Thật đáng tiếc, lúc này tôi không thể hỏi cha tôi. Mẹ tôi sinh con. Còn tên các con, đều do cha tôi đặt theo nghĩa chữ nho.Nếu không nói trực tiếp được. Cha viết thư từ trong tù hay từ nơi đi đày,chỗ… an trí. Nếu con trai, tên là…, nếu là con gái, có tên…


Càng về sau, chúng tôi càng hiểu rõ ý nghĩa của những từ, Viết Hoa: Công Cha, Nghĩa Mẹ. Cha và mẹ chúng tôi là hai con người thân yêu và vĩ đại!… Vì cuộc đời của cha là ở trung tâm những cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công. Cuộc đời của mẹ là luôn sát cánh bên cha trên mọi nẻo đường đời gian nan, vất vả.Mẹ đau đớn, lo lắng trong lòng, khi cha bị tù đày. Cha thương mẹ, những lúc khó khăn, gian khổ… Chỉ có đôi vai của mẹ gánh vác gia đình. Mẹ, vừa phải kiếm tiền nuôi sống gia đình, vừa lo lắng, chờ đợi cha. Ở nơi xa xôi nào đó, cha có được bình yên không? Mẹ sinh con, thường là nuôi con một mình. Nhưng, mẹ nào có nghĩ đến mình đâu! Mẹ xót xa nghĩ đến cha… Xa gia đình, lúc đau ốm,mẹ không ở bên cạnh.Cha đi xa, mang theo một nỗi niềm nặng trĩu trong lòng:<< Không biết, cuộc sống của Tâm và các con rồi sẽ ra sao, khi không có mình bên cạnh? Thật khổ cho Tâm! Từ khi gắn bó cuộc đời với mình, Tâm chưa có lấy một ngày được yên ổn, an nhàn. Tâm ơi! Hãy hiểu cho anh. Chí làm trai, sao có thể đứng ngoài cuộc đấu tranh, khi đất nước đang bị giày xéo bởi quân xâm lược?...>>


Những giây phút riêng tư, thật hiếm hoi…Cha mẹ chúng tôi dành tất cả cho nhau.Người nọ chỉ nghĩ về người kia.Để rồi, tất cả tình yêu thương của cha và mẹ tôi biến thành sức mạnh,nguồn động lực… Vượt qua mọi chông gai, đi tiếp trên con đường, cả cha và mẹ tôi đã chọn.


Câu thành ngữ: "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" mỗi lúc, mỗi ngấm vào máu thịt chúng tôi.Tôi cứ nghĩ, các con, chúng tôi có được như ngày nay là công lao của cha mẹ. Công cha, công mẹ cao ngất như núi, trải rộng như sông dài, biển cả. Không có sự đền đáp nào cho hết công lao của cha mẹ.


4.


Trên bến tàu Lang Tó vào ngày, thực dân Pháp đưa những người tù chính trị phạm đi đày ra Côn Đảo. Thực sự, đã diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt… Giữa những người nhà, người thân, anh chị em, bạn bè và tù chính trị phạm với bọn lính sen đầm, cảnh sát. Một bên đại điện cho những người bị đàn áp; tự do, dân chủ bị bóp nghẹt với chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp.Trong tay những người đấu tranh không có lấy một cái gậy tre hay một tấc sắt. Họ chỉ có lòng yêu nước, yêu tự do,dân chủ và trí thông minh. Còn kẻ thù, súng ống trong tay, sẵn sàng nhả đạn vào đám đông.


Cuộc đấu tranh tuy không lớn về quy mô, không kéo dài về thời gian. Song, cuộc đấu tranh này đã phá vỡ một âm mưu của kẻ thù. Bọn thống trị thực dân Pháp đã không muốn… Nhân dân Sài Gòn lúc bấy giờ nhìn thấy, biết được. Những người con thân yêu của họ bị đưa đi chôn vùi ở một nơi xa xôi nào đó. Chúng đánh lừa cả gia đình những người chính trị phạm.Chúng làm một chuyến đưa tù đi đày bất ngờ, để… Những người nhà,người thân tù chính trị không còn con đường nào; không tin tức gì mà dõi theo người thân của mình. Âm mưu của kẻ thù đã thất bại.


Những người nhà, gia đình, bạn bè đã đến rất đông đến bất ngờ; tiễn đưa người thân của họ.


Chỉ trong phút chốc thôi.Mọi người, gặp được mặt người thân. Cả người ra đi và người ở lại, đều động viên nhau, nói những lời yêu thương nhất.Người ở lại nhà lo lắng, chăm chút từ miếng ăn, cái mặc, lọ dầu xoa lúc trái nắng, trở trời cho chồng con,anh em…Có người, giây phút gặp mặt, đã không nói lời nào. Họ đứng nhìn chăm chăm chồng con, anh em mình. Họ như muốn dồn tất cả cảm xúc vào đôi mắt để thu nhận hình dáng, nét mặt, nụ cười, ánh mắt… của người thân. Có thể, đây là lần cuối cùng.


Mẹ tôi quay trở về nhà. Tâm trạng nặng nề, chẳng vơi đi chút nào những lo lắng, cứ canh cánh trong lòng.


- A, má về! - Anh Diễm, chị Vân tôi cùng reo lên, chạy xô ra cửa, khi nhìn thấy mẹ tôi và chị Ái bước xuống xe.Dáng vẻ bơ phờ, mệt mỏi, mẹ tôi cùng các con đi vào nhà.


Chị Ái nói:


- Thôi nào, hai em ra chiếu chơi đồ chơi đi. Má mới đi về, còn mệt, để má nghỉ một lúc. Chị đi nấu cơm.


Anh Diễm, chị Vân tôi ngoan ngoãn, ríu rít ra chiếu đồ chơi đang chơi giở…


Bác sáu Lai, một người hàng xóm tốt bụng của gia đình. Bác lớn hơn cha mẹ tôi tám chín tuổi gì đó. Gia đình nhà bác sáu Lai sống vui vẻ, xởi lởi với mọi người xung quanh. Ai cũng quý mến. Mẹ tôi nhờ bác sang nhà trông giúp chị Vân, anh Diễm tôi, từ lúc nửa đêm qua.Mẹ tôi về, bác sáu Lai còn nán lại an ủi, động viên mẹ tôi.


Bác sáu Lai nói:


- Sớm muộn gì, chú Tư sẽ mãn hạn về thôi! Những người tốt, dũng cảm như các chú ấy, bọn địch không làm gì được đâu. Cô Năm cũng đừng buồn phiền nhiều. Có khó khăn gì, chị em, sớm tối, có chúng tôi đây. Cái chính bây giờ, cô cần giữ gìn sức khỏe, cô Năm ạ!…


Gia đình hai bên đã quen gọi nhau theo "thứ tự " của cách gọi tiếng Sài gòn. Cha tôi thứ tư, nên gọi anh, chú "tư Liêm". Còn mẹ tôi thứ năm, nên mọi người gọi "cô năm Bắc kỳ", "cô năm Tâm"


Mẹ tôi nắm chặt bàn tay bác Lai, cảm ơn rất nhiều người phụ nữ rất đỗi chân tình, tốt bụng.Mẹ tôi cố giữ bác Lai ở lại ăn cơm với gia đình.


Bác bảo:


- Còn có nhiều dịp giữa hai nhà chúng ta mà.Tôi về, xem bọn trẻ ở nhà thế nào…


Bác Lai về. Chị Ái quay lại, nói với mẹ tôi:


- Thím vào trong phòng nằm nghỉ một lúc đi.Cả đêm qua, thím hầu như không ngủ. Không khéo ốm mất, thì khổ.


Mẹ tôi gật nhẹ đầu, rồi đi vào trong phòng. Nằm vật ra giường. Nước mắt mẹ tuôn ra không gì ngăn được.


Chị Ái nấu cơm xong. Chị cho hai em, Diễm và Vân ăn. Ăn xong, cả Diễm và Vân được lệnh lên giường ngủ trưa.


Chị Ái âu yếm, dỗ dành hai đứa em:


- Hai anh em phải ngoan, khi nào Ba về mới mua nhiều bánh kẹo cho.


Nói rồi, hai hàng nước mắt chị cũng giàn giụa.Chị thương chú Liêm.Chị vội quay mặt đi chỗ khác, lau nước mắt.Chị không muốn để hai đứa trẻ nhìn thấy chị khóc.


Phía trước, những gì đang chờ đợi mẹ tôi, anh Diễm, chị Vân, chị Ái tôi? Số phận của cha tôi cùng nhiều tù chính trị phạm sẽ ra sao? Không ai có thể nói trước được điều gì !






Lúc đó, tôi còn đang là "cát bụi"…






Những gì, tôi có được : hình hài một con người, tư duy của bộ não, phải chờ đến hơn mười năm sau nữa. Năm một chín ba chín, tôi mới sinh ra ở trên đời. Từ nay đến khi đó…Sẽ có biết bao biến cố xảy ra, trên đất nước thân yêu của chúng ta,trong gia đình tôi? Thời gian là chứng nhân lịch sử.


Còn lúc này, khi tôi đang ngồi viết những trang sách này. Tôi biết chắc chắn rằng, cả cuộc đời của mẹ tôi là sự chờ đợi! Mẹ đã chờ chồng ra khỏi cửa hết nhà tù này đến nhà tù khác. Mẹ mong ngóng tin tức, dõi theo mỗi bước chân của cha. Mẹ sung sướng, hạnh phúc chờ đón cha mãn hạn bị đày đọa, từ những nơi được gọi là "địa ngục trần gian", trở về.


Nhưng…


Sự đợi chờ của mẹ chúng tôi không biến thành đá. Mẹ chúng tôi không hóa thành hòn vọng phu. Mẹ của chúng tôi là một con người bằng xương, bằng thịt.Mẹ chúng tôi không chỉ chờ chồng, nuôi con… Trong thành công lớn lao sự nghiệp hoạt động Cách mạng và viết báo, viết sử của cha… Không thể thiếu công lao, trực tiếp hay gián tiếp, của mẹ.


Trong lòng chúng tôi…Mẹ là một người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang! Đúng với nghĩa tám chữ vàng cao quý.Chúng tôi nghĩ như thế, dù có hay chưa được sắc phong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét